Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/8.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm an toàn giao thông dịp Lễ Quốc khánh 2/9
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2022.
Công điện nêu rõ: Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9/2022 dự báo lưu lượng giao thông sẽ tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quyền hạn của mình chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1- Có phương án bảo đảm năng lực, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và hoạt động đi lại của học sinh, sinh viên; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị đầu mối giao thông lớn (bến xe, nhà ga, cảng hàng không, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa) thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để bán vé điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ; không để xảy ra tình trạng chen lấn gây ùn tắc tại các bến xe, nhà ga, bến cảng, tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá số người quy định, đón trả khách không đúng nơi quy định, nhất là trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến đường thủy từ bờ ra đảo, các điểm du lịch; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển hành khách và người lái ngay từ đầu bến, nhà ga, bến cảng; tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai "Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9", các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên, tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm ATGT; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm TTATGT khu vực cổng trường học; kiểm soát chặt chẽ dịch vụ vận chuyển đưa đón học sinh.
2- Tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các hư hỏng; rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, đặc biệt tại các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT); các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố.
Chủ động xây dựng phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, các trục chính ra vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tàu, nhà ga, các điểm đang thi công; ứng dụng khoa học công nghệ để sớm phát hiện các vụ ùn tắc giao thông trên các tuyến, các đầu mối giao thông trọng điểm và có giải pháp xử lý kịp thời.
3- Triển khai "Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9", các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên, tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm ATGT; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm TTATGT khu vực cổng trường học; kiểm soát chặt chẽ dịch vụ vận chuyển đưa đón học sinh.
4- Tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT; chú ý các hành vi vi phạm nghiêm trọng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, ùn tắc giao thông, như vi phạm tốc độ, vi phạm quy định nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người quy định, vi phạm tải trọng, không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; vi phạm khi qua đường ngang; chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật; không trang bị dụng cụ cứu sinh, chống đắm; không có giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ.
5- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn đặc biệt trên đường cao tốc. Các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên cập nhật kịp thời tình hình TNGT, ùn tắc giao thông, các thông tin hỗ trợ hướng dẫn đi lại trong dịp nghỉ Lễ; kiên trì vận động Nhân dân thực hiện "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; "Không sử dụng điện thoại khi lái xe"; "Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện"; "Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô"; tuân thủ quy tắc giao thông; phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, trên những cung đường miền núi có nguy cơ cao xảy ra TNGT đường bộ, đường ngang qua đường sắt, đường thủy nội địa.
6- Công bố số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm TTATGT của các cơ quan trung ương, của từng địa phương nhằm tiếp nhận các phản ánh của người dân về tình hình TTATGT trong dịp nghỉ lễ; bảo đảm phương án ứng trực theo chế độ 24/7 để tiếp nhận thông tin, giải quyết, khắc phục kịp thời các vụ việc phát sinh.
7- Các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình TTATGT trong 04 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9 về Ủy ban ATGT Quốc gia trước 15 giờ ngày 04/9/2022 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nghị quyết của Chính phủ về triển khai chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022, triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính phủ quyết nghị triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội khoá XV quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, cụ thể như sau:
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (Dự án) đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022, chia thành 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 03 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 04 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư. Mỗi dự án là một dự án thu hồi đất trên địa bàn của 01 tỉnh mà không phải là dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai năm 2013.
4 tỉnh, thành phố thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo các dự án thành phần.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong 02 năm kể từ khi Nghị quyết số 57/2022/QH15 được Quốc hội thông qua. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai
Nghị quyết cũng nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai. Theo đó, lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần: Bắt đầu từ 5/8/2022, hoàn thành 15/11/2022.
Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho từng dự án thành phần: Bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/11/2022.
Bàn giao hồ sơ và cọc GPMB cho địa phương: Bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/9/2022.
Địa phương thực hiện công tác GPMB: Bắt đầu từ 1/10/2022, hoàn thành 30/3/2024.
Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; lựa chọn nhà thầu xây lắp, Tư vấn giám sát,... và khởi công: Bắt đầu từ 30/11/2022, hoàn thành 30/6/2023.
Tổ chức thi công: Bắt đầu từ 30/6/2023, hoàn thành 30/6/2026.
Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện
Chính phủ cho phép UBND các tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án, bao gồm:
Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến) để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng trên sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt.
Khẩn trương tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện các công việc khác có liên quan tới công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng được phê duyệt, các địa phương xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).
Các địa phương xác định vị trí diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu của các dự án thành phần; thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có) bảo đảm tiến độ thi công.
Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; điều chỉnh cục bộ các quy hoạch có liên quan đến Dự án; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án thành phần; các thủ tục nêu trên cần đảm bảo nguyến tắc kết quả thực hiện của một số công việc được thực hiện ở bước trước là cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Cơ chế khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án được áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ và các cơ chế sau:
Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác:
Trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 57/2022/QH15, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh, thành phố nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1, Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; trình tự thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP và theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan.
Với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho Dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà thầu thi công Dự án. Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định đơn vị sử dụng khoáng sản là nhà thầu thi công Dự án. Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho Dự án, dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.
Cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh cập nhật chi phí lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án vào Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1: xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc).
Nghị quyết cũng giao một số nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành và địa phương.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022 trực tuyến với địa phương
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 9/8/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022 trực tuyến với địa phương.
Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại, gia tăng khả năng có suy thoái ngắn hạn; việc tăng lãi suất và điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa của một số nước, khu vực có tác động, ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi kinh tế và tiềm ẩn rủi ro đối với sự ổn định tài chính, tiền tệ toàn cầu... Ở trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn, nhưng khó khăn, thách thức còn rất lớn; áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất; nền kinh tế tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài do có độ mở lớn, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế. Dịch COVID-19 và nhiều loại dịch bệnh khác tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ "dịch chồng dịch".
Trong bối cảnh đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra của năm 2022 tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần đề ra là tập trung thực hiện "4 ổn định": Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; "3 tăng cường": Tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước; "2 đẩy mạnh": Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch; "1 tiết giảm" tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; và "1 kiên quyết không": không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.
Trong những tháng còn lại của năm 2022 và thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng khắc phục những hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, đẩy mạnh công tác phân tích, dự báo, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả các đối sách, giải pháp phù hợp trên các lĩnh vực, bảo đảm hài hòa, hợp lý cả trước mắt và lâu dài, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Thực hiện nghiêm phòng, chống dịch và tiêm vaccine
Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo quy định của pháp luật gắn với phân bổ hợp lý nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bảo đảm yêu cầu có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác phát sinh; quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng dịch trong tình hình mới.
Các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, có giải pháp quản lý, bình ổn thị trường, kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm ổn định giá cả, bảo đảm cung cầu hàng hóa thị trường tại địa phương, nhất là các hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và kịp thời triển khai các đối sách, giải pháp ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các bộ, cơ quan được phân công chủ trì sớm hoàn thiện, trình Chính phủ các báo cáo, tài liệu trình Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ tư (tháng 10 năm 2022), bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc để phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của bộ, cơ quan, địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của cả nước; trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Đồng thời, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phù hợp với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương; tiếp tục thúc đẩy triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác lập các quy hoạch quốc gia, ngành, vùng, tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy nhanh lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh thực hiện lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý những vấn đề tồn đọng, các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.
Tập trung rà soát, kịp thời giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế lớn, các dự án trọng điểm; quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách; thực hiện tốt các công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023.
Khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án (phương án) cơ cấu lại để tổ chức thực hiện theo đúng Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa, việc số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ; thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, tập trung bố trí nguồn lực triển khai quyết liệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), bảo đảm theo đúng tiến độ, yêu cầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, đánh giá hoạt động của trung tâm điều hành IOC tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để có văn bản chấn chỉnh tình hình hoạt động trong thời gian tới; giao các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, thành lập tổ liên ngành phân tích dữ liệu phục vụ lãnh đạo bộ, cơ quan, địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Khai thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống thất thu, mở rộng các cơ sở thu, phấn đấu tăng thu, tạo dư địa trong điều hành…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, có biện pháp phù hợp hạn chế các tác động do điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nước đến tỷ giá, lãi suất trong nước; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, nhất là phải bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; không để xảy ra thiếu điện; thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước gắn với tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Không để "dịch chồng dịch"
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến dịch COVID-19 và các dịch bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, không để "dịch chồng dịch"; tập trung khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm học 2022 - 2023, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho năm học mới, đặc biệt trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác theo quy định để đón học sinh, sinh viên tựu trường an toàn; bảo đảm chất lượng giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mới, tài liệu và sách giáo khoa phục vụ học tập, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…
Ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó quy định triển khai một số hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương.
Trong đó, về xây dựng, hoàn thiện quy định sử dụng mạng máy tính của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương, Nghị định yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương phải xây dựng quy định sử dụng, quản lý và bảo đảm an ninh mạng máy tính nội bộ, mạng máy tính có kết nối mạng Internet do cơ quan, tổ chức mình quản lý. Nội dung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh mạng căn cứ vào những quy định về bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng và các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành khác có liên quan.
Mạng máy tính truyền đưa bí mật nhà nước phải tách biệt vật lý hoàn toàn với mạng máy tính kết nối Internet
Quy định sử dụng, bảo đảm an ninh mạng máy tính của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:
+ Xác định rõ hệ thống mạng thông tin và thông tin quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an ninh mạng.
+ Quy định rõ các điều cấm và các nguyên tắc quản lý, sử dụng và bảo đảm an ninh mạng, mạng máy tính nội bộ có lưu trữ, truyền đưa bí mật nhà nước phải được tách biệt vật lý hoàn toàn với mạng máy tính, các thiết bị, phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, trường hợp khác phải bảo đảm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
+ Quy trình quản lý, nghiệp vụ, kỹ thuật trong vận hành, sử dụng và bảo đảm an ninh mạng đối với dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, trong đó phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.
+ Điều kiện về nhân sự làm công tác quản trị mạng, vận hành hệ thống, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và liên quan đến hoạt động soạn thảo, lưu trữ, truyền đưa bí mật nhà nước qua hệ thống mạng máy tính.
+ Quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cán bộ, nhân viên trong quản lý, sử dụng, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.
+ Chế tài xử lý những vi phạm quy định về đảm bảo an ninh mạng.
Hoàn thiện phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước
Nghị định cũng quy định xây dựng, hoàn thiện phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương.
Cụ thể, người đứng đầu cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương có trách nhiệm ban hành phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin do mình quản lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tập trung, có sự chia sẻ tài nguyên để tối ưu hiệu năng, tránh đầu tư trùng lặp.
Phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin bao gồm: Quy định bảo đảm an ninh mạng trong thiết kế, xây dựng hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu cơ bản như yêu cầu quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ; thẩm định an ninh mạng; kiểm tra, đánh giá an ninh mạng; giám sát an ninh mạng; dự phòng, ứng phó, khắc phục sự cố, tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; quản lý rủi ro; kết thúc vận hành, khai thác, sửa chữa, thanh lý, hủy bỏ.
Phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng
Nghị định quy định phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương.
Cụ thể, phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng bao gồm:
+ Phương án phòng ngừa, xử lý thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bị đăng tải trên hệ thống thông tin.
+ Phương án phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên hệ thống thông tin.
+ Phương án phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
+ Phương án phòng, chống tấn công mạng.
+ Phương án phòng, chống khủng bố mạng.
+ Phương án phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
Phê duyệt Khung chính sách bồi thường, tái định cư xây dựng đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình
Tại văn bản 725/TTg-CN ngày 16/8/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II).
Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa tiếp tục rà soát, chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của thông tin và số liệu; chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình nằm trong Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010.
Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Ninh Bình có tổng chiều dài 11,93 km, gồm các hạng mục xây dựng cầu vượt sông Đáy qua tỉnh Nam Định; cầu vượt sông Càn qua tỉnh Thanh Hóa và 10 km đường trên địa phận tỉnh Ninh Bình.
Mục tiêu của dự án là từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch, hạ tầng giao thông trong khu vực, hình thành trục đường giao thông chính ven biển để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; củng cố an ninh quốc phòng, tạo thuận lợi trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tuyến đường còn giúp kết nối các đoạn tuyến hành lang ven biển đoạn Ninh Bình - Nam Định và Ninh Bình - Thanh Hóa.
Thống nhất phương án đầu tư 2 tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 5241/VPCP-CN ngày 16/8/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc giao cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành theo đúng ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 1941/VPCP-CN ngày 30/3/2022 của Văn phòng Chính phủ./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!