Huyện Bắc Yên có trên 70 km đường thủy nội địa trên dòng sông Đà, chảy qua địa phận 6 xã: Pắc Ngà, Chim Vàn, Mường Khoa, Tạ Khoa, Song Pe, Chiềng Sại. Nhiều năm qua, tuyến đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương, đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Lực lượng CSGT Công an huyện Bắc Yên tuyên truyền, hướng dẫn người dân mặc áo phao tại bến phà Song Pe.
Theo thống kê, trên địa bàn hiện có 215 thuyền (65 thuyền chở khách, 150 thuyền dân sinh từ 10 tấn - 80 tấn chở hàng) đang hoạt động; có 12 bến đò. gồm 4 bến chính, 8 bến phụ trên toàn tuyến. Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, hằng năm, lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Bắc Yên đã tham mưu cho Ban An toàn giao thông (ATGT) huyện triển khai nhiều các giải pháp về ATGT đường thủy; phối hợp với các cơ quan chức năng và với các xã thường xuyên kiểm tra, quản lý các phương tiện và hoạt động an toàn giao thông đường thủy; tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn người điều khiển phương tiện, thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy, bảo đảm trật tự ATGT đường thủy; phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở các chủ thuyền thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa; tổ chức ký cam kết đảm bảo các biện pháp an toàn, như: thuyền bảo đảm chất lượng, trên thuyền được trang bị áo phao, phao cứu sinh, không chở quá số người qui định...
Đại úy Đinh Văn Thoa, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Bắc Yên, cho biết: Việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân thuộc các xã dọc sông Đà chủ yếu vẫn bằng các phương tiện tàu, thuyền. Các bến đò dọc sông Đà hầu hết là bến tạm, chưa được đầu tư xây dựng, cùng với đó mực nước đường thủy thất thường vào mùa mưa nên việc đi của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức 154 lượt tuyên truyền lưu động tới các xã; tuyên truyền trực tiếp 7 buổi, với gần 1.500 người tham gia, phát 250 tờ rơi về an toàn giao thông đường thủy... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, cương quyết đình chỉ và xử lý nghiêm các phương tiện hoạt động không đảm bảo an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện không có giấy phép theo quy định, các phương tiện không trang bị các dụng cụ an toàn như phao cứu sinh, neo, dây... Nhờ đó, nhiều năm gần đây, trên địa bàn huyện không xảy tai nạn giao thông đường thủy.
Tại bến thuyền Tạ Khoa, chị Lò Thị Tươi đang chờ đợi thuyền về xã Pắc Ngà, chị Tươi cho biết: Nhà tôi ở bản Tà Ỉu, xã Pắc Ngà, mỗi khi đi xuống huyện thăm bà con hay đi mua sắm đồ là tôi lại đi thuyền xuống, cứ sáng đi chiều về rất thuận tiện, các phương tiện luôn được trang bị đầy đủ các dụng cụ, đảm bảo an toàn cho hành khách.
Anh Đinh Văn Viên, bản Mong, xã Song Pe, chủ thuyền chuyên chở khách tuyến Song Pe - Pắc Ngà, chia sẻ: Cách đây 7 năm, tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng để đóng mới chiếc thuyền chở khách và được cấp giấy phép đăng ký hoạt động chở khách. Trên thuyền được trang bị đầy đủ phao cứu sinh, bình cứu hỏa,... Nhiều năm vận chuyển khách nên rất hiểu dòng chảy của dòng sông, về mùa khô sông Đà tích nước, mực nước dâng cao dễ đi lại, nhưng vào mùa mưa, thủy điện xả nước nên nước chảy xiết, dòng sông cạn, thuyền cập bến rất khó. Để đảm bảo an toàn, hằng ngày trước khi xuất bến đều phải kiểm tra máy móc, thiết bị, nhắc nhở hành khách phải mặc áo phao, tuân thủ nghiêm các an toàn khi đi thuyền.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, cùng với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền các xã trong việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng tại các bến thuyền, mỗi người dân, các chủ thuyền cần nâng cao nhận thức và ý thức trong việc chấp hành những quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng về người và phương tiện khi tham gia lưu thông trên sông Đà.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!