Yên Châu tạo sự đồng thuận trong thực hiện sáp nhập bản, tiểu khu

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, huyện Yên Châu đang tích cực triển khai kế hoạch sắp xếp và sáp nhập các bản, tiểu khu chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Cán bộ bản Thồng Phiêng, xã Chiềng Pằn (Yên Châu) tuyên truyền chủ trương sáp nhập bản, tiểu khu cho người dân.

Huyện Yên Châu có 196 bản, trong đó 189 bản không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Căn cứ tình hình thực tế, UBND huyện Yên Châu đã tổ chức quán triệt chủ trương, triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xây dựng đề án sáp nhập, thành lập bản cho từng trường hợp cụ thể. Trong đó, chú trọng việc xây dựng kế hoạch dựa trên tình hình thực tế, thí điểm tại các bản có đủ điều kiện thuận lợi trước; nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân để đưa ra lộ trình sáp nhập phù hợp; xây dựng phương án kiện toàn người hoạt động không chuyên trách sau khi sáp nhập, như kiện toàn cấp ủy chi bộ bản, chức danh trưởng bản, trưởng các tổ chức chính trị xã hội, chức danh công an viên...

Ông Mè Văn Quân, cán bộ Phòng Nội vụ huyện Yên Châu, thông tin: Theo lộ trình, đến năm 2021, huyện Yên Châu sẽ giảm còn 154 bản, tiểu khu (sáp nhập 83 bản, tiểu khu thành 42 bản, tiểu khu). Năm 2018, huyện Yên Châu đã xây dựng Đề án thí điểm sắp xếp, sáp nhập 10 bản thành 5 bản tại các xã: Viêng Lán, Chiềng Đông, Chiềng Hặc, Mường Lựm, Chiềng On. Theo kế hoạch sau khi sáp nhập sẽ giảm 52 cán bộ hoạt động không chuyên trách, kinh phí chi trả phụ cấp giảm hơn 443 triệu đồng/năm. Qua thực hiện thí điểm, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đánh giá thuận lợi, khó khăn của quá trình sáp nhập, rút kinh nghiệm, xây dựng phương án bám sát các tiêu chí, nguyên tắc, đồng thời đưa ra giải pháp phù hợp với thực tế. Việc sáp nhập đảm bảo các nguyên tắc: Các bản lựa chọn sắp xếp, sáp nhập có vị trí liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt quá phức tạp, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội; được trên 50% số cử tri nhất trí; ưu tiên sáp nhập thành lập bản mới từ các bản chia tách trước đây; ưu tiên xem xét sáp nhập các bản chưa có chi bộ độc lập với các bản đã có chi bộ độc lập, có đảng viên. Đồng thời, xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc các yếu tố liên quan khi sáp nhập. Nhờ đó, quá trình sáp nhập bản, tiểu khu tại huyện Yên Châu bước đầu tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Để tìm hiểu thêm về công tác sáp nhập bản, tiểu khu tại huyện Yên Châu, chúng tôi về xã Viêng Lán. Năm 2018, xã Viêng Lán thí điểm sáp nhập 2 bản Huổi Qua (84 hộ) và Khúm Hiền (28 hộ) thành bản Huổi Qua. Sau khi sáp nhập, bản Huổi Qua giảm 9 cán bộ hoạt động không chuyên trách, kinh phí chi trả phụ cấp giảm hơn 81 triệu đồng/năm. Theo lộ trình, đến năm 2021, xã giảm từ 9 bản còn 5 bản. Để quá trình sáp nhập diễn ra thuận lợi, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Viêng Lán đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương sáp nhập các bản chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định; tiến hành họp thống nhất phương án sáp nhập, đối thoại giải đáp những thắc mắc của người dân; lấy ý kiến cử tri trước khi sáp nhập. Qua đó, giúp toàn thể nhân dân trên địa bàn hiểu việc sáp nhập các bản, tiểu khu chưa đảm bảo tiêu chuẩn sẽ góp phần thuận lợi hơn trong triển khai các công việc, tạo sự đoàn kết, thống nhất, tạo tiền đề để người dân hợp tác sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế.

Còn tại xã Chiềng Pằn, phương án sắp xếp bản, tiểu khu cũng nhận được sự nhất trí cao của người dân. Bà Đào Thị Dịnh, Phó Trưởng bản Thồng Phiêng, chia sẻ: Theo kế hoạch, năm 2019, bản Chiềng Thi và Thồng Phiêng sẽ sáp nhập, dự kiến lấy tên là bản Phiêng Thi. Do được phổ biến, quán triệt chủ trương rõ ràng, đồng thời căn cứ thực tiễn hai bản từng được tách ra từ một bản trước đó, khoảng cách địa lý đảm bảo nên phương án sáp nhập nhận được sự nhất trí cao của người dân. Tuy nhiên, nhân dân 2 bản cũng bày tỏ băn khoăn về cơ sở vật chất nhà văn hóa bản chưa đủ đáp ứng cho việc sinh hoạt của bản sau sáp nhập (hơn 150 hộ). Trong đó, nhà văn hóa bản Chiềng Thi xây dựng lâu năm đã xuống cấp, quy mô nhỏ, còn bản Thồng Phiêng có nhà văn hóa kiên cố, khang trang được hỗ trợ xây dựng theo chương trình nông thôn mới, nhưng cũng không đảm bảo sức chứa cho các hoạt động sinh hoạt chung của cả hai bản sau sáp nhập.

Tìm hiểu được biết, sau khi sáp nhập, có bản có gần 200 hộ, với 600 - 1000 nhân khẩu. Quy mô dân số lớn, khiến cơ sở vật chất hiện có không đáp ứng cho hoạt động của bản, tiểu khu sau sáp nhập. Cũng có một số ý kiến cho rằng, sau khi sáp nhập các bản, tiểu khu, số lượng hội viên tại các hội người cao tuổi, phụ nữ, nông dân... đông hơn, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Việc sắp xếp, tổ chức lại các hội đoàn thể, dôi dư cán bộ sau sắp xếp cũng được nhiều người dân quan tâm.

Dự đoán trước được những khó khăn, bất cập, những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập, Phòng Nội vụ huyện Yên Châu đã tham mưu cho UBND huyện đôn đốc cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết về phương án sáp nhập, giải pháp thực hiện, giải pháp dự phòng xử lý các vấn đề phát sinh trước khi triển khai. Trong đó, có phương án sinh hoạt bản, tiểu khu theo cụm, khu dân cư để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất nhà văn hóa; kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với đội ngũ cán bộ bản, chi hội trưởng các đoàn thể; hướng dẫn nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, như việc thay đổi thông tin, giấy tờ có liên quan đến hộ khẩu, đất đai, liên quan đến tên mới của bản sau sáp nhập...

Thời gian tới, huyện Yên Châu tiếp tục thực hiện các bước sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu đúng lộ trình, kế hoạch đề ra; rà soát, giải quyết dứt điểm các vấn đề có thể phát sinh sau khi sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu; tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trên địa bàn; phấn đấu hướng tới mục tiêu tinh gọn bộ máy hoạt động, tiết kiệm kinh phí, để ngân sách nhà nước đầu tư tập trung, trọng điểm, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Lê Hạnh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Báo Nhân Dân công bố đợt truyền thông đặc biệt chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

    Báo Nhân Dân công bố đợt truyền thông đặc biệt chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

    Văn hóa - Xã hội -
    Ngày 23/4, tại trụ sở 71 Hàng Trống (Hà Nội), Báo Nhân Dân đã long trọng tổ chức lễ công bố đợt truyền thông đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Sự kiện được tổ chức đúng vào dịp đồng bào cả nước đang hướng về ngày lễ trọng đại, đánh dấu thời khắc lịch sử mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khi non sông được thu về một mối cách đây tròn nửa thế kỷ.
  • 'Tuổi trẻ Phù Yên với lá cờ Tổ quốc

    Tuổi trẻ Phù Yên với lá cờ Tổ quốc

    Ảnh -
    Chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Huyện đoàn Phù Yên đã thực hiện trang trí không gian tại tiểu khu 4 với rực rỡ màu cờ Tổ quốc, sách, báo nhằm lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước đến với thế hệ trẻ. Điểm nhấn của không gian là dòng chữ: "Hòa bình có đẹp không em" như lời nhắc nhở thế hệ trẻ ghi nhớ công lao của các thế hệ ông cha đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để giành độc lập, thống nhất non sông. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.
  • 'Đại sứ quán Australia tại Việt Nam làm việc với Trường Đại học Tây Bắc

    Đại sứ quán Australia tại Việt Nam làm việc với Trường Đại học Tây Bắc

    Văn hóa - Xã hội -
    Ngày 22/4, Đoàn công tác của Đại sứ quán Autralia do bà Naomi Cook, Tham tán Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, làm Trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đại học Tây Bắc về hoạt động hợp tác với Công ty cổ phần KisStartup trong khuôn khổ Tiểu dự án IDAP, thuộc Dự án GREAT 2 Sơn La.
  • 'Đoàn thanh niên với mô hình “Ba liên kết”: Kỳ 1: Nâng cao vai trò dẫn dắt phong trào

    Đoàn thanh niên với mô hình “Ba liên kết”: Kỳ 1: Nâng cao vai trò dẫn dắt phong trào

    Xã hội -
    Trước yêu cầu chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã xác định chủ trương “3 liên kết” (liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng) nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp. Tại tỉnh ta, mô hình “Ba liên kết”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất trong tổ chức các hoạt động Đoàn thanh niên.
  • '“Không gian học tập Hồ Chí Minh” trong trường học

    “Không gian học tập Hồ Chí Minh” trong trường học

    Cụ thể hóa việc học và làm theo Bác, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo xây dựng mô hình “Không gian học tập Hồ Chí Minh”, đã mang lại hiệu quả thiết thực, thuận tiện cho việc học tập, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, gắn liền rèn luyện lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho học sinh.
  • 'Kiểm tra, giám sát đảm bảo hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi

    Kiểm tra, giám sát đảm bảo hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi

    Xã hội -
    Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao.
  • 'Thúc đẩy phát triển kinh tế số

    Thúc đẩy phát triển kinh tế số

    Chuyển đổi số -
    Kinh tế số là một trong trong 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.