Yên Châu tăng cường quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Yên Châu chú trọng quan tâm xem xét, giải quyết các nhu cầu chính đáng của đồng bào các dân tộc về các hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, bảo đảm các chức sắc tôn giáo tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện chung tay xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

Công an xã Chiềng Tương tuyên truyền, vận động người dân bản Pa Kha 1

chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Yên Châu hiện có 345 hộ, 1.009 nhân khẩu theo tôn giáo, gồm 3 tôn giáo chính: Tin lành, công giáo, phật giáo. Thời gian qua, hoạt động tôn giáo trên địa bàn huyện tương đối ổn định, các tín đồ cơ bản chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng cao, biên giới còn hạn chế, dễ bị các phần tử xấu lợi dụng, kích động, truyền đạo trái pháp luật... Cùng với đó, trên địa bàn huyện hiện xuất hiện một số điểm nhóm tự xưng, tự phát tại các xã: Chiềng Hặc, Phiêng Khoài, Chiềng Tương, Chiềng On... Những điểm nhóm tôn giáo này chưa được chính quyền cho phép đăng ký sinh hoạt, vẫn tự phát tụ tập hoạt động, gây mất an ninh trật tự khu vực... Để tránh xảy ra hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, huyện Yên Châu đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tăng cường quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các tôn giáo sinh hoạt theo quy định của pháp luật. Ông Hoàng Anh, Trưởng phòng Nội vụ huyện, cho biết: Để làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Phòng đã phối hợp với Ban Dân vận huyện ủy, Công an huyện, các Đồn biên phòng Chiềng Tương, Chiềng On và các xã biên giới thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại các xã, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đối với các nhóm tôn giáo mới hình thành, yêu cầu người đại diện nhóm thực hiện việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng theo quy định của Nhà nước; đồng thời, ký cam kết không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương. Chỉ đạo các xã thường xuyên kiểm tra tạm trú, tạm vắng của người tham gia sinh hoạt và giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhóm tôn giáo. Do điều kiện đặc thù, cán bộ phụ trách công tác tôn giáo hoạt động kiêm nhiệm, luân chuyển nhiều trong khi quản lý Nhà nước về tôn giáo lại cần chuyên môn sâu nên hàng năm, huyện đều có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nhằm đảm bảo về mặt nhận thức và kỹ năng, nghiệp vụ quản lý tôn giáo, vận động đồng bào theo tôn giáo nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật về tôn giáo, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật. 

Thực hiện việc đấu tranh xóa bỏ tà đạo trên địa bàn, hằng quý, huyện chỉ đạo các xã thành lập tổ công tác xuống các địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác không theo tà đạo. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; ngăn chặn hoạt động tiêu cực của các nhóm đối tượng tuyên truyền đạo lạ, tà đạo. Thường xuyên nắm bắt tình hình, rà soát và phân loại các đối tượng có hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, từ đó có kế hoạch và biện pháp quản lý cụ thể, phù hợp. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với chức sắc, người phụ trách hoạt động tôn giáo trên địa bàn thông qua các cuộc thăm hỏi, động viên vào các dịp lễ, Tết; tăng cường đối thoại trực tiếp với đồng bào theo tôn giáo; gặp gỡ, tiếp xúc các trưởng, phó nhóm các nhóm đạo, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số... Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền đối với công tác tôn giáo và sự kết hợp đồng bộ các biện pháp trong quản lý các hoạt động tôn giáo ở địa phương, Yên Châu không để xảy ra phát sinh “điểm nóng” hoặc những vấn đề phức tạp về tôn giáo, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm; đời sống vật chất của đồng bào theo đạo trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; bà con giáo dân có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật trong sinh hoạt tôn giáo ở địa phương; chấp hành tốt quy ước, hương ước của xã, bản; đoàn kết xây dựng gia đình công giáo mẫu mực và đời sống văn hóa ở khu dân cư; tích cực tham gia lao động sản xuất...

Ðể làm tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của bà con giáo dân, Yên Châu tiếp tục tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào theo đạo  hiểu rõ và thực hiện đúng quan điểm, tư tưởng, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác tôn giáo từ huyện đến cơ sở gắn với việc tăng cường tập huấn nghiệp vụ thường xuyên để nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ; hướng dẫn, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động hợp pháp; động viên, khuyến khích chức sắc, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, tham gia hiệu quả các phong trào ở địa phương. Bên cạnh đó, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật, các phần tử lợi dụng tôn giáo để chống phá chính quyền làm mất ổn định tình hình an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới