Yên Châu tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở

Những năm qua, huyện Yên Châu đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, gắn kết hạnh phúc cho nhiều gia đình, tình làng nghĩa xóm hòa thuận, góp phần giữ vững ổn định ANTT ở địa phương.

Tổ hòa giải bản Suối Bưn, xã Tú Nang (Yên Châu) tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân.

Huyện Yên Châu hiện có 195 tổ hòa giải, 854 hòa giải viên, là những người phụ trách công tác đoàn thể, đảng viên gương mẫu, cá nhân uy tín tại địa phương. Mỗi khi gia đình, tổ, bản có “chuyện” thì họ là những người đầu tiên có mặt để gặp gỡ, thuyết phục, khéo léo vận dụng “cái lý, cái tình” để giải quyết mâu thuẫn... nên hầu hết các vụ việc mâu thuẫn xảy ra ở địa phương đều được hòa giải thành công. Qua đó, giải quyết kịp thời nhiều vụ, việc vi phạm pháp luật, mâu thuẫn và tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, góp phần giảm số lượng vụ việc phải chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong nội bộ nhân dân, tạo sự đồng thuận, giữ vững an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội...

Để Luật Hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, hằng năm, Phòng Tư pháp huyện Yên Châu đã tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền tới người dân trên địa bàn. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã tổ chức 15 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải cho hơn 1.045 lượt hòa giải viên cơ sở; Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp biên soạn và phát hành trên 200 cuốn Sổ tay hòa giải ở cơ sở, cung cấp trên 1.000 tờ gấp pháp luật cấp phát cho tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn; 100% công chức thực hiện nhiệm vụ được giao quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn đều được tham dự các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp huyện tổ chức. 

Đồng chí Vì Thị Vinh, Quyền Trưởng phòng Tư pháp Yên Châu, cho biết: Từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, hoạt động hòa giải ở cơ sở tiếp tục có nhiều đổi mới. Hầu hết các tổ hòa giải trên địa bàn huyện được kiện toàn, chất lượng hòa giải được nâng lên rõ rệt. Tổ chức của các tổ hòa giải cơ bản có đầy đủ các thành phần: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và những người có uy tín tham gia. Trong quá trình hoạt động, các tổ hòa giải tạo sự đồng thuận, gắn kết giữa gia đình và xã hội, góp phần giữ vững an ninh tại địa phương. Không chỉ vậy, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”, làm giảm hành vi vi phạm pháp luật. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 175 vụ việc, trong đó, hòa giải thành 110 vụ, tỷ lệ trung bình đạt trên 63%, số vụ hòa giải không thành 54 vụ, hiện đang giải quyết 11 vụ việc. Một số xã, thị trấn có tỷ lệ vụ việc hòa giải thành cao, như: Chiềng Đông 91,3%; Lóng Phiêng 86%; Chiềng Pằn, Chiềng Tương 82%; thị trấn 72%...

Tìm hiểu ở xã Chiềng Pằn được biết thêm, xã hiện có 12 tổ hòa giải, với hơn 60 hòa giải viên. Công tác hòa giải ở cơ sở luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm; các vụ việc xảy ra ở các bản được báo cáo kịp thời tới tổ hòa giải, các vụ tranh chấp, mâu thuẫn được tìm hiểu, hòa giải ngay ở bản, nếu chưa giải quyết được sẽ báo cáo lên xã và các cơ quan cấp trên, không để kéo dài, không gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Theo anh Mè Văn Hùng, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Chiềng Pằn, để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã về những vấn đề liên quan tới hòa giải ở cơ sở, lồng ghép vào các hội nghị, họp dân. Đặc biệt, hiện nay người dân ngày càng có nhu cầu tư vấn trực tiếp nên các hòa giải viên luôn phải trau dồi kiến thức pháp luật, từ đầu năm đến nay, xã đã giải quyết thành công 3/3 vụ việc.

Yên Châu đã và đang tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, góp phần đưa Luật Hòa giải vào cuộc sống. Qua đó, sử dụng ngày càng nhiều biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng, xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân, góp phần ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện phát triển.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới