Yên Châu những ngày tháng 5

Những ngày tháng 5, các cơ quan, ban, ngành, các địa phương của huyện Yên Châu đều dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, lập thành tích báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 58 năm ngày Bác đến thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Châu và 127 năm Ngày sinh của Người.

Nhân dân thị trấn Yên Châu kinh doanh sản phẩm thổ cẩm.

Với khối các cơ quan Đảng, nội dung thi đua tập trung nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khối Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn, thu hút hội viên, đoàn viên tham gia như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... Các cơ quan quản lý Nhà nước thi đua cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ mới… Qua các phong trào thi đua, mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự rèn luyện để “công tâm, thạo việc”, tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính, góp phần cùng toàn huyện thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Trên địa bàn các xã, thị trấn, nông dân thi đua đẩy nhanh tiến độ sản xuất cây trồng trên nương và chăm sóc tốt 780 ha lúa xuân... Cũng thời điểm này, phong trào thi đua dạy tốt - học tốt đang lan tỏa sâu rộng trong các trường học, chuẩn bị kết thúc năm học 2016-2017 và chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đạt kết quả cao nhất...

Những ngày tháng 5 này, người dân Yên Châu không thể quên cách đây 58 năm, ngày 8/5/1959, trong chuyến lên thăm Tây Bắc nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bác đã tới thăm và nói chuyện với cán bộ, bộ đội và nhân dân các dân tộc Yên Châu tại bản Khoóng, xã Chiềng An (nay là Tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu). Người dạy: “Khi trước nhân dân không có ruộng, bây giờ nhờ có Đảng và Chính phủ, nhân dân tự đấu tranh có ruộng. Như thế đời sống đồng bào đã có phần sung sướng. Nhưng muốn sung sướng hơn phải làm thế nào? Phải sản xuất cho tốt...”. Khắc ghi lời Người dạy, trong suốt những năm qua, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo luôn là động lực khuyến khích, động viên nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Cùng với đó, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác xã, gắn với việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm; đổi mới tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh để thích ứng với cơ chế thị trường, tạo thu nhập cao cho các thành viên và người lao động... Hiện nay, toàn huyện có 15 HTX hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực: Thương mại - dịch vụ; sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao như: Xoài ghép, nhãn chín muộn, rau củ quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp trong cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Toàn huyện hiện có 3.367 ha cây ăn quả các loại, trong đó, 1.819 ha đã cho sản phẩm, với sản lượng 15.016 tấn quả/năm. Bên cạnh đó, 1.000 ha mía, sản lượng gần 64.000 tấn mía cây và gần 300 ha sắn nguyên liệu, sản lượng khoảng 3.000 tấn sắn củ, được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La và Nhà máy tinh bột sắn Sơn La thu mua với giá ổn định. Ngoài ra, gần 233 ha chè kinh doanh, sản lượng trên 2.000 tấn chè búp tươi/năm và 300 ha cây cà phê, sản lượng gần 3.000 tấn quả tươi/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Qua việc phát triển các loại cây trồng trên đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: Xoài ghép Đài Loan, Thái Lan, chuối cấy mô ở các xã dọc quốc lộ 6; nhãn ghép chín muộn tại xã Tú Nang, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài; mận hậu ở Lóng Phiêng, Phiêng Khoài, Yên Sơn; trồng rau hàng hóa ở bản Chiềng Kim (xã Chiềng Sàng), bản Chiềng Thi, Chiềng Phú (xã Chiềng Pằn); trồng thanh long tại các xã: Phiêng Khoài, Chiềng Pằn... Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã và đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng đàn gia súc, gia cầm gần 400.000 con.

Trung tâm thị trấn Yên Châu.   

Đến các bản, tiểu khu từ vùng thấp đến vùng cao của huyện Yên Châu hôm nay, đi trên những con đường bê tông rộng rãi cảm nhận rõ sự tích cực của người dân trong việc xây dựng đường giao thông nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với hơn 21,5 tỷ đồng của nhà nước hỗ trợ, nhân dân trong huyện đã đóng góp trên 46 tỷ đồng hoàn thành 128 tuyến đường giao thông nông thôn, dài hơn 66 km. Đến thời điểm này, Yên Châu có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 9 xã đạt từ 5-9 tiêu chí về nông thôn mới.

Báo công với Người, nhân dân Yên Châu nguyện tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng huyện ngày càng phát triển.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới