Về Yên Châu mùa này, trên những cánh đồng lúa chiêm xuân xanh mướt, mỗi sáng sớm và chiều muộn, lại xuất hiện những đàn cò trắng chao cánh rập rờn, tạo nên vẻ đẹp bình yên, thơ mộng cho vùng núi non trù phú này.
Đàn cò trắng xuất hiện ở khu vực thị trấn Yên Châu.
Chúng tôi về Yên Châu vào những ngày đầu tháng tư. Xuôi theo quốc lộ 6 từ những thửa ruộng của xã Chiềng Đông, Sặp Vạt, Viêng Lán... chốc chốc lại thấy từng đàn cò trắng lấp loáng trên khoảng trời xanh, dưới cánh đồng, bà con miệt mài chăm sóc lúa, mùi hương của lúa xanh non thoang thoảng, làn gió mát hiu hiu, cảm nhận khung cảnh giản dị, yên bình đến lạ. Những con cò trắng bay lượn, sà xuống các cánh đồng kiếm ăn, màu trắng của cò nổi bật trên cánh đồng lúa xanh thẳm, tô điểm cho bản làng thêm thơ mộng. Cò trắng thân thuộc với bà con nơi đây tự bao giờ, không ai xua đuổi, không ai săn bắn nên cò gần gũi và không sợ người. Chiều muộn, cò về trú ngụ trên vạt cây rừng đang mùa thay lá, trắng xóa một vùng, nổi bật trên ráng đỏ của hoàng hôn, khiến ai cũng thích thú chiêm ngưỡng.
Tìm hiểu được biết, đã nhiều năm nay, cứ vào khoảng tháng 2 dương lịch, khi tiết trời ấm dần, bà con bắt đầu vào vụ sản xuất lúa xuân thì cũng là lúc những đàn cò trắng di cư về đây. Đàn cò thường tập trung ở cánh đồng lúa các xã: Chiềng Pằn, Viêng Lán, Chiềng Sàng, Chiềng Khoi, Thị trấn... nhưng nhiều nhất là khu vực xã Viêng Lán. Cò thường sà xuống các cánh đồng vào thời gian từ 7-9 giờ sáng và từ 4-5 giờ chiều, chúng kiếm các loại thức ăn như cá, cua, ốc, tôm tép, côn trùng... sau đó sẽ trở về trú ngụ trên khu vực rừng của bản Mường Vạt (xã Viêng Lán). Theo bà con ở các khu vực này, đàn cò trắng có số lượng lớn, mỗi đàn thường từ 100-400 con, đàn đông nhất lên đến 500 con, thời điểm giữa tháng ba, đầu tháng tư, số lượng cò trắng di cư từ nơi khác về ngày càng nhiều.... Yên Châu là vùng có diện tích lúa ruộng lớn, nguồn thức ăn dồi dào phong phú, bà con trồng nhiều cây ăn quả và đặc biệt là việc trồng cây cao su đã góp phần tái tạo rừng tự nhiên, vì vậy, đàn cò có nơi trú ngụ nên chọn làm điểm dừng chân. Vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi mùa hè về, những cánh đồng lúa bắt đầu chín, cũng là lúc đàn cò trắng di chuyển đi nơi khác.
Trò chuyện với ông Hà Văn Hoa, Trưởng bản Nà Và 2 (xã Viêng Lán), ông cho biết: Từ năm 2012 trở lại đây, cò về nhiều. Bản có 15 ha lúa nước, là nơi để đàn cò về tìm thức ăn, bà con không săn bắt, đánh bẫy, vì ý thức được việc bảo tồn những loài chim tự nhiên. Khi tìm kiếm thức ăn, cò còn bắt ốc bưu vàng, trứng và một số loại côn trùng gây hại cho lúa, giúp người dân bảo vệ mùa màng, vì vậy bà con luôn thân thiện với đàn cò.
Cùng nói về đàn cò trắng thường xuất hiện trên địa bàn xã, ông Nguyễn Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Viêng Lán cho biết: Trước đây, vẫn còn tình trạng săn bắn các loài chim di cư, nhưng từ khi thực hiện quy định của Nhà nước về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, thì không còn tình trạng này nữa. Bà con không đốt rừng làm nương rẫy, rừng phát triển tự nhiên nên không chỉ cò trắng mà nhiều loài chim khác cũng về làm tổ. Hiện nay, xã tiếp tục tuyên truyền để người dân giữ gìn tập quán canh tác, bảo tồn và phát huy vẻ đẹp thiên nhiên, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho các loài chim di cư.
Bảo vệ, không săn bắn đàn cò trắng di cư thể hiện ý thức bảo tồn thiên nhiên của người dân ở Yên Châu. Nếu có dịp về Yên Châu vào dịp này, được ngắm từng đàn cò trắng bay lượn trên những cánh đồng lúa xanh ngát, sẽ cảm nhận được sự ấm áp, yên bình của vùng quê nơi đây.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!