Những ngày này, trên khắp các trục đường chính của huyện Yên Châu rợp cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng 71 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Nhiều người dân và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể đã đến Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Châu tại Tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu để thắp hương tưởng nhớ và báo công với Bác.
Nhân dân xã Chiềng Hặc (Yên Châu) phát triển cây ăn quả trên đất dốc.
Trong suốt chiều dài lịch sử của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân Yên Châu luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, kiên cường, dũng cảm, cần cù, chịu khó góp công, góp sức bảo vệ quê hương, đất nước. Những địa danh, những con người Yên Châu được gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Đó là di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Chiềng Tương; di tích lịch sử nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu tại bản Khoóng, xã Chiềng An (nay là Tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu ngày 8/5/1959); đó là những cô gái “trắng nõn những búp tay” bắn rơi máy bay Mỹ đi vào huyền thoại cùng bài hát “Người Châu Yên em bắn máy bay” của nhạc sĩ Trọng Loan. Năm tháng hào hùng đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Yên Châu; danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp cho xã Tú Nang; danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cho xã Chiềng Hặc.
Năm 1959, trong chuyến lên thăm Tây Bắc nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác đã tới thăm và nói chuyện với nhân dân Yên Châu tại bản Khoóng. Người dạy: “Khi trước nhân dân không có ruộng, bây giờ nhờ có Đảng và Chính phủ, nhân dân tự đấu tranh có ruộng. Như thế đời sống đồng bào đã có phần sung sướng. Nhưng muốn sung sướng hơn phải làm thế nào? Phải sản xuất cho tốt... Trong kháng chiến anh dũng giết Tây, đuổi giặc; bây giờ anh dũng sản xuất, xóa nạn mù chữ...”. Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ huyện Yên Châu đã lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy nhanh tiến trình xóa đói giảm nghèo. Trong quá trình đó, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phần kinh tế tập thể phát triển. Đẩy mạnh thành lập các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác xã gắn với việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm; tự đổi mới tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh để thích ứng với cơ chế thị trường, tạo thu nhập cao cho các thành viên... Hiện nay, toàn huyện có 2 doanh nghiệp và 11 HTX hoạt động khá hiệu quả trên các lĩnh vực: Thương mại - dịch vụ; sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao như: Xoài ghép, nhãn chín muộn, rau củ quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp trong cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Điểm nhấn là, đến thời điểm này nhân dân trong huyện đã trồng được 811 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế trên đất dốc thay thế cây ngô, cây lúa nương năng suất thấp, nâng tổng số diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 2.563 ha, trong đó 1.940 ha đã cho thu hoạch với sản lượng 11.926 tấn quả/năm. Qua đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, với các mô hình sản xuất hiệu quả như: Xoài ghép Đài Loan, Thái Lan; chuối cấy mô ở các xã dọc quốc lộ 6; nhãn ghép chín muộn tại xã Tú Nang, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài; mận hậu ở Lóng Phiêng, Phiêng Khoài, Yên Sơn; trồng rau hàng hóa ở bản Chiềng Kim (xã Chiềng Sàng), bản Chiềng Thi, Chiềng Phú (xã Chiềng Pằn); trồng thanh long tại các xã: Phiêng Khoài, Chiềng Pằn; gần 1.000 ha mía nguyên liệu cho Nhà máy mía đường Sơn La ở Phiêng Khoài, Yên Sơn, Chiềng Đông, Chiềng Sàng... Nâng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác lên hàng trăm triệu đồng/ha/năm... Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã và đang từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với việc đẩy mạnh trồng cỏ lấy thức ăn chăn nuôi đại gia súc; phát triển chăn nuôi gia trại; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Thương mại dịch vụ phát triển, hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của nhân dân... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện hiện xuống còn 27,7%. Cơ sở hạ tầng: Đường, điện, trường, trạm được đầu tư xây dựng theo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 6 năm 2016, Yên Châu có 1 xã đạt 15 tiêu chí; 1 xã đạt 11 tiêu chí; 6 xã đạt 6-8 tiêu chí... Bộ mặt nông mới đang khởi sắc ở các vùng quê trong huyện.
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục có bước chuyển biến tích cực. Nhất là sự học của con trẻ được quan tâm đúng mức cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Do vậy, bước đầu thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Các cấp học phát triển nhanh về quy mô trường, lớp; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, giữ vững phổ cập trung học cơ sở và thực hiện giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hiện, toàn huyện có 18 trường học đạt chuẩn Quốc gia...
Nhân dân Yên Châu nguyện mãi làm theo lời Người dạy, phấn đấu nhiều hơn nữa để mỗi người, mỗi gia đình đều có cuộc sống no ấm, hạnh phúc và trở thành huyện phát triển của tỉnh, xứng đáng với danh hiệu huyện Yên Châu Anh hùng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!