Với mục tiêu phấn đấu năm 2016 có một xã đạt chuẩn nông thôn mới, từ đầu năm đến nay, huyện Yên Châu đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã cụ thể hóa chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất. Đồng thời, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi hình thức theo mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh tổ hợp tác, HTX.
Mô hình trồng rau an toàn tại xã Chiềng Pằn (Yên Châu).
Đến hết tháng 5, toàn huyện đạt bình quân 6,57 tiêu chí/xã, trong đó Chiềng Pằn là xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016 đã đạt 16/19 tiêu chí, toàn huyện chỉ còn 3 xã vùng đặc biệt khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí, là Chiềng On, Chiềng Tương và Lóng Phiêng. Việc phát triển sản xuất được quan tâm, huyện đã thành lập mới các HTX nông nghiệp phát triển theo hướng gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả triển khai các mô hình sản xuất rau, hoa, cây ăn quả trên địa bàn. Đồng thời, vận dụng hiệu quả các chính sách vào điều kiện thực tế của huyện, như chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, chương trình 135, chính sách phát triển cây cao su, hỗ trợ vùng tái định cư thủy điện Sơn La, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. 6 tháng đầu năm nay, huyện đã hướng dẫn chuyển đổi 2 HTX, thành lập mới 1 HTX.
Điểm nổi bật, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 20 công trình, trong đó, có 9 nhà văn hóa xã, bản; 6 trạm y tế, 1 nhà lớp học, 1 công trình đường giao thông nông thôn, 1 công trình thủy lợi và 1 công trình nước sinh hoạt. Hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư 16 công trình và tiếp tục triển khai việc hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 115 của HĐND tỉnh. Đến nay đã triển khai thực hiện 37 truyến đường giao thông nội bản, tổng chiều dài 19,3 km, kinh phí thực hiện 25,15 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 18 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 7,15 tỷ đồng.
Đặc biệt, huyện tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hằng năm đã tạo việc làm mới cho trên 300 lao động nông thôn, giúp các hộ vay vốn có điều kiện đầu tư tham gia các mô hình, dự án, mở rộng thêm trang trại, phát triển kinh tế vườn tổng hợp. Trong đó, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Yên Châu đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội bám sát định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện, thực hiện phân bổ vốn kịp thời cho các xã. Ưu tiên đầu tư cho các mô hình dự án điểm, cho vay phát triển kinh tế hộ đối với nguồn vốn trung hạn, chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc, như nhãn ghép, vải, xoài, chuối tại các xã Tú Nang, Chiềng Pằn, Chiềng Sàng; bưởi diễn, thanh long tại Chiềng Pằn; mô hình trồng lúa, ngô, tỏi, xen vụ, tăng vụ tại xã Chiềng Đông; dự án bò sinh sản tại xã Phiêng Khoài, Yên Sơn, Chiềng Pằn; mô hình lợn thịt, lợn nái tại Chiềng Pằn và Thị trấn; mô hình trồng rau đạt tiêu chuẩn rau sạch tại xã Chiềng Pằn, Chiềng Sàng; mô hình nuôi lợn rừng, ong mật, nhím tại Yên Sơn, Chiềng On...
Hiện nay, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đang tập trung chỉ đạo các xã triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Trong đó, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh các mô hình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Triển khai thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ và các chính sách giảm nghèo của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất trong công tác bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình tổ, đội vệ sinh môi trường bản; hướng dẫn nhân dân khắc phục ô nhiễm nơi sinh hoạt do thói quen, tập quán lạc hậu và vận động di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!