Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đã và đang được người dân xã Tú Nang (Yên Châu) tích cực thực hiện, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Cán bộ khuyến nông xã Tú Nang (Yên Châu) hướng dẫn các hộ dân bản Tà Làng Thấp chăm sóc cây ăn quả.
Vườn cây ăn quả của chị Hoàng Thị Kiên, bản Tà Làng Thấp hiện có trên 1.000 gốc nhãn ghép, 500 gốc xoài Đài Loan được trồng trên sườn đồi có độ dốc thoải. Chị Kiên chia sẻ: Sau khi tìm hiểu các mô hình trồng cây ăn quả trong xã, năm 2013, gia đình tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng để trồng nhãn ghép và xoài giống Đài Loan. Những kinh nghiệm học hỏi được tôi áp dụng vào sản xuất nên vườn cây phát triển tốt, vụ năm ngoái thu hoạch hơn 1 tấn xoài, 2 tấn nhãn, cùng với kinh doanh hàng tạp hóa, gia đình thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Còn gia đình chị Hoàng Thị Thuận, bản Chiềng Ban II cải tạo hơn 3.000 m2 đất cấy lúa và trồng ngô hiệu quả thấp sang trồng dưa lê, dưa bở và dưa hấu. Hiện, vườn dưa của gia đình chị cho thu hoạch 6 tấn quả/vụ, thu hơn 120 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm xuất bán 3 lứa lợn, với hơn 6 tấn thịt lợn hơi, mỗi năm trừ chi phí sản xuất, gia đình thu nhập gần 150 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình chị có điều kiện nuôi dạy con cái học hành chu đáo và xây dựng nhà ở khang trang.
Được biết trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tú Nang đã vận động người dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa giống cây trồng mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, như: Các loại dưa, xoài Đài Loan, xoài Úc, nhãn chín muộn. Trong đó, tập trung phát triển trồng cây ăn quả tại các bản Chiềng Ban I, Chiềng Ban II, Cốc Lắc, Lắc Kén; trồng các loại dưa tại bản Chiềng Ban I, Chiềng Ban II, Nà Khoang, Đông Khùa; chăn nuôi trâu, bò, gà tại các bản Văng Phay, Tà Làng Cao, Nà Khoang... Từ năm 2016 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, xã đã xây mới, nâng cấp, cải tạo 3 công trình thủy lợi đầu mối, kiên cố hóa kênh mương và hệ thống giao thông nội đồng phục vụ sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân; triển khai thí điểm việc chuyển đổi 12 ha ruộng lúa 1 vụ sang trồng ngô lai NK 7328 chuyển gen, ngô lai NK 6639 tại bản Tà Làng Cao. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các đoàn thể xây dựng 3 mô hình nhãn chín muộn, 1 mô hình xoài Đài Loan, 4 mô hình nuôi dê sinh sản, 4 mô hình ủ phân hữu cơ tại các hộ gia đình. Hiện, xã có hơn 700 ha nhãn chín muộn, xoài Đài Loan, xoài Úc, sản lượng hằng năm trên 600 tấn nhãn, gần 250 tấn xoài; 18 ha dưa các loại cho thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, bà con còn duy trì chăm sóc 1.216 ha ngô lai chịu hạn tốt như: CP 888, CP 989, DK 9901, năng suất hơn 7 tấn/ha; 19 ha ngô ủ ướp sản lượng khoảng 760 tấn/năm...
Cùng với đó, đàn gia súc, gia cầm đang từng bước được đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong chăn nuôi, bà con quan tâm việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; thực hiện phun thuốc khử trùng định kỳ 2 lần/năm khu vực chuồng trại chăn nuôi; đầu tư trồng 8 ha cỏ làm thức ăn cho trâu, bò. Hiện, xã có trên 3.400 con trâu, bò, hơn 1.600 con dê, 27 ha ao cá, sản lượng 60 tấn/năm... Tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế là gia đình ông Lò Văn Nam, bản Đông Khùa, kinh doanh tổng hợp các mặt hàng tiêu dùng, thu mua nông sản, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng. Gia đình anh Nguyễn Văn Binh, bản Hua Đán, trồng gần 10 ha xoài, nhãn, thu gần 1 tỷ đồng/năm. Anh Hoàng Văn Tình, bản Hua Lắc, thu hơn 800 triệu đồng/năm từ cây nhãn, xoài, vải...
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp người dân Tú Nang tăng thu nhập, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, để phát triển vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, rất cần chính quyền địa phương và các cấp, các ngành định hướng cho người dân, tránh tình trạng phát triển tự phát dẫn đến việc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!