Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Yên Châu: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Yên Châu được thành lập trên cơ sở sáp nhập các trạm: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y, Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện Yên Châu. Tuy còn nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả công tác phối hợp tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông; kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định sản xuất nông nghiệp an toàn, cung cấp cho thị trường và phục vụ xuất khẩu.

 

Mô hình trồng xoài tượng da xanh ở xã Chiềng Pằn (Yên Châu).

Ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu, cho biết: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Trung tâm đã chỉ đạo các tổ chuyên môn phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh, huyện, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt người dân về các nội dung: Phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi; quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo phương pháp cải tiến SRI; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho lúa mùa; kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại xoài; sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP... Cùng với đó, Trung tâm đã phối hợp với các công ty, đơn vị hướng dẫn, xây dựng 44 chương trình, mô hình khuyến nông cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng 6 mô hình trồng rau an toàn, trồng lúa LH12, sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, chăn nuôi gà sinh sản trên đệm lót sinh học, triển khai phối giống bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo cho bò cái. Ngân sách huyện hỗ trợ xây dựng 3 mô hình gồm: Trồng cây dược liệu quy mô 2 ha (xã Mường Lựm); trồng xoài tròn ứng dụng công nghệ tưới ẩm, quy mô 1 ha (xã Viêng Lán); trồng rau thủy canh tại xã Sặp Vạt. Chỉ đạo khuyến nông xã xây dựng 36 mô hình khuyến nông tự nguyện... Đến nay, toàn huyện có 6.379 ha cây ăn quả các loại, sản lượng 33.847 tấn;  đàn bò phát triển lên 20.500 con; duy trì và tăng đàn lợn và gia cầm. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng. Tiêu biểu như: Mô hình nhãn chín muộn; trồng chanh leo; trồng rau an toàn; ghép xoài tượng da xanh; cấy lúa theo phương pháp SRI...

Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản được Trung tâm chú trọng triển khai; phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu 1 cấp mã số vùng trồng cho 65 ha nhãn và 14,7 ha xoài, nâng tổng số diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng cây ăn quả của huyện lên 100 ha; phối hợp với Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng I thẩm định cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 12 ha xoài, 88 ha mận hậu, 5 ha rau và 35 ha nhãn. Đồng thời, tham mưu với UBND huyện và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh hỗ trợ trên 163 triệu đồng in bao bì, tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho các HTX, với tổng số 7.000 hộp và 44.276 tem điện tử. Nhờ vậy, năm 2018, huyện Yên Châu đã xuất bán ra thị trường, vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể 91,2 tấn rau, 84,4 tấn lợn thịt, 718 tấn xoài và 1,2 tấn mận hậu, 350 tấn nhãn; đặc biệt xuất khẩu  3 tấn xoài tượng da xanh sang Úc và 31 tấn sang Trung Quốc; thông qua Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Green Path Việt Nam xuất khẩu 1,5 tấn nhãn chín muộn sang Mỹ, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1.063 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2017; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt đạt 45,5 triệu đồng.

Anh Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu), cho biết: Được sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các thành viên đã nắm bắt và thực hiện trồng, chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP; có sổ ghi chép, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đến nay, 13 ha nhãn ghép của HTX được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng; được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn. Thu nhập của các thành viên đạt trên 500 triệu đồng/năm trở lên.

Trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2019, huyện Yên Châu tiếp tục  phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong trồng, chăm sóc, bảo quản nông sản để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu 840 ha sản xuất theo quy trình VietGAP; xây dựng thương hiệu chuối, thương hiệu nhãn Yên Châu; trồng mới 3.521 ha cây ăn quả... Theo đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Yên Châu chủ động xây dựng kế hoạch tư vấn, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn người dân xây dựng, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát người dân thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, GAP khác, thu hái, đóng gói sản phẩm nông sản và xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, góp phần đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn huyện nhà.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới