Tiềm năng cây lê Tai Nung ở Phiêng Khoài

Sau mấy năm trồng thử nghiệm thành công tại một số bản, cây lê - một loại cây vốn thích nghi với khí hậu ôn đới nay đã bám rễ và phát triển tốt trên vùng đất Phiêng Khoài, mở thêm một hướng phát triển kinh tế ở xã vùng cao biên giới của huyện Yên Châu.

Vườn lê của gia đình chị Đinh Thị Mây, bản Cồn Huốt 1, xã Phiêng Khoài cho thu nhập cao.

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo huyện, chúng tôi đến bản Cồn Huốt 1, xã Phiêng Khoài, thăm gia đình chị Đinh Thị Mây - người đầu tiên mang giống lê Tai Nung bên Lào Cai về trồng. Dẫn chúng tôi ra khu vườn lê sai trĩu quả đang trong thời kỳ thu hoạch, chị Mây cho biết đã trồng giống lê Tai Nung này được hơn 4 năm, khách hàng đến mua lê đều khen chất lượng quả ngon, ngọt. Chị kể, trước đây cũng đã trồng mấy chục gốc lê bản địa, nhưng quả bé, ít nước, mẫu mã không đẹp. Tìm hiểu qua sách báo và trực tiếp tham quan mô hình trồng lê của một người bạn ở Lào Cai, thấy giống lê Tai Nung rất dễ trồng, lại thích hợp khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, quan trọng hơn là thị trường tiêu thụ khá rộng, nên đầu năm 2014, chị quyết định trồng thử nghiệm giống lê Tai Nung. Đến giữa năm 2018, vườn lê 1.000 gốc đón đợt quả đầu, cây nào cũng sai trĩu, quả to tròn, mọng nước, ngọt đậm, giòn.. Ngay vụ bói quả đầu tiên, nhà chị thu trên 7 tạ quả, bán đổ đồng 40.000 đồng/kg, thu gần 30 triệu đồng. Sang năm nay, chị quyết định mở rộng diện tích trồng lê lên 4.000 gốc. Chị Mây chia sẻ: Muốn có quả lê chất lượng, năng suất cao, người trồng phải tuân thủ đúng kỹ thuật về chăm bón, vịn cành, tạo tán, tỉa quả. Lê là loại cây dễ trồng, ưa nền đất ẩm, nên từ khi đậu quả đến lúc thu hoạch ngày nào cũng phải tưới nước, nếu đủ nước thì cây sẽ cho quả to, da căng, mỏng, vỏ màu vàng xanh bóng đẹp, nhiều nước, giòn, ngọt; đặc biệt quả không bị đốm, thối khi thời tiết mưa nhiều. Ngược lại, nếu thiếu nước trong thời kỳ phát triển thì quả sẽ bị héo và rụng.

Vẫn theo chị Mây, lê là loại cây nhanh cho thu hoạch, trồng một lần nhưng duy trì thời gian cho quả gần 10 năm. Nếu chăm sóc tốt, năng suất bình quân mỗi vụ, một gốc lê cho thu khoảng 35 - 50 kg. Sau khi thu hoạch (trong khoảng tháng 6 đến hết tháng 7), tiến hành đốn bỏ cành và thu dọn vườn để chuẩn bị đón vụ mới. Đốn cành phải hết sức cẩn thận, chú ý chừa 3 - 4 nhánh ở phần gốc để sau này dễ tạo tán và sai quả. Sau mỗi lần đốn cành phải tưới nước, bón phân đầy đủ để kích thích cây phát triển. Ưu điểm của lê là sử dụng rất ít thuốc trừ sâu, chỉ phun thuốc đuổi rệp ở giai đoạn đầu cây đâm lộc non, chưa hình thành hoa, quả. Còn khi đã hình thành quả, để phòng trừ côn trùng hại quả, chỉ cần sử dụng bẫy côn trùng ngay trên thân cây là được.

Được biết, giống lê Tai Nung còn có ưu điểm ra hoa muộn hơn đào và mận, vì thế tránh được thời điểm rét đậm trong dịp Tết; thời gian thu hoạch khoảng tháng 6 và tháng 7 vì quả chín trước lê bản địa nên cũng rất thuận lợi cho việc tiêu thụ. Vườn lê của gia đình chị Mây đã bắt đầu thu hoạch quả từ giữa tháng 6, đã bước sang vụ thu hoạch thứ 2, nên năng suất quả khá cao, chừng 40 kg quả/cây,  với 3 ha lê, vào vụ thu hoạch, cứ 2-3 ngày gia đình chị Mây hái quả một lần, mỗi lần thu 1,5 - 2 tạ quả, thời điểm chín rộ có ngày thu 6 tạ quả. Chị Mây dự kiến năm nay thu khoảng 4 tấn quả; giá bán ổn định từ 45.000-50.000 đồng/kg; trừ mọi chi phí, chị vẫn thu trên 180 triệu đồng. Tất cả sản phẩm quả đã có khách hàng đặt mua hết. Gia đình chị Mây đang chiết cành, ươm gần 5.000 cây giống để cung ứng cho các hộ dân trên địa bàn có nhu cầu.

Ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài nói với chúng tôi: Từ những kết quả khả quan ban đầu cho thấy, cây lê thực sự đang mang lại hiệu quả cho người dân. Xã đã tổ chức cho nhiều hộ tham quan học tập mô hình trồng cây lê tại bản Cồn Huốt 1 để nhân rộng. Tuy nhiên, diện tích lê trên địa bàn vẫn chủ yếu trồng tự phát, phân tán, việc áp dụng kỹ thuật vào trồng còn hạn chế, nên chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể để mở rộng diện tích, phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo quản, tiêu thụ.

Tin tưởng, giống lê mới tiếp tục trụ vững trên vùng đất Phiêng Khoài, trở thành giống cây trồng phù hợp, hữu ích, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập cho bà con các dân tộc vùng cao biên giới này.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới