Do tích cực tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt việc giao đất giao rừng cho các tổ chức đoàn thể và các hộ gia đình quản lý, bảo vệ, nhiều năm nay, hơn 500 ha rừng tự nhiên của bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài (Yên Châu) được bảo vệ tốt, không xảy ra cháy rừng hay lấn chiếm đất rừng làm nương.
Cán bộ kiểm lâm, đại diện Ban Quản lý bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài (Yên Châu)
gắn biển tuyên truyền bảo vệ rừng.
Bản Tà Ẻn có 107 hộ, 390 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Xinh Mun, bản có hơn 500 ha rừng tự nhiên, được giao cho 61 hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ. Anh Vì Văn Thắm, trưởng bản cho biết: Để bảo vệ tốt diện tích rừng, bản đã thành lập tổ bảo vệ rừng gồm 10 người, do trưởng bản làm tổ trưởng, có nhiệm vụ tuyên truyền công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; quy định cụ thể việc lấy củi, hái măng trong các cuộc họp bản, nếu ai vi phạm tùy theo mức độ có hình thức phạt thích đáng. Đồng thời, tổ chức cho 100% hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng... Hằng năm, Ban Quản lý bản mời cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã về tuyên truyền lợi ích từ rừng cho bà con trong bản; hướng dẫn người dân đốt dọn thực bì trên nương, đảm bảo lửa không cháy lan vào diện tích rừng trong thời gian cao điểm của mùa khô; khuyến cáo không sử dụng lửa bắt ong trong rừng... Nhờ vậy, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, hơn 20 năm nay bản Tà Ẻn không xảy ra cháy rừng.
Chúng tôi cùng anh Tếnh Lao Lánh, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã đi thăm những cánh rừng của bản Tà Ẻn. Anh Lánh thông tin: Rừng ở Tà Ẻn còn khoảng 500 cây gỗ quý như: Đinh, nghiến, chai, sâng lụa... có đường kính từ 50 cm trở lên, có cây đường kính đến 1 m. Từ năm 2010, bản Tà Ẻn được chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 120 triệu đồng/năm, nên các hộ được giao rừng đều có ý thức bảo vệ rừng, nhiều gia đình trong bản còn tận dụng bìa rừng trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc, trồng thêm cây sa nhân tăng thêm thu nhập. Đối với người bản Tà Ẻn, rừng còn là một di sản quý mà cha ông để lại, nguồn lợi sẵn có từ rừng như củi đun, sa nhân, măng các loại đã phần nào giúp cuộc sống của bà con bớt khó khăn. Vì vậy, người dân trân trọng và bảo vệ màu xanh của những cánh rừng nơi đây.
Đến thăm khu rừng do gia đình ông Vì Văn Muối quản lý, chúng tôi thấy 2 cây si nhựa to đến 2-3 người ôm, cao chừng 30-40 m. Đây là gốc cây to nhất khu rừng, bộ rễ nổi dài hàng mét bám chặt vào đất, có lẽ cây đã được hàng trăm năm tuổi. Điều đó minh chứng thêm rằng khu rừng này đã và đang được bảo vệ tốt. Ông Muối nói: Gia đình tôi được giao bảo vệ, chăm sóc 7 ha rừng. Hằng năm, gia đình được chi trả trên 2 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, còn được phép lấy tre từ rừng, lấy củi từ những cây khô, thu hái măng và cây thuốc nam. Đặc biệt, mỗi năm gia đình thu hơn 1 tạ quả sa nhân tươi bán với giá từ 120 - 150 nghìn đồng/kg, thu trên 15 triệu đồng... Các thành viên trong gia đình tôi đều hiểu được nguồn lợi từ rừng mang lại nên có ý thức trong việc bảo vệ rừng.
Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ, PCCCR, cùng với ý thức cao trong việc quản lý, bảo vệ rừng của nhân dân trong bản, tin rằng, rừng ở bản Tà Ẻn sẽ luôn xanh tốt, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nơi đây.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!