Đã lâu chúng tôi mới trở lại xã Chiềng Hặc (Yên Châu) - Vùng quê của các cô gái “...Trắng nõn những búp tay, em có dám bắn máy bay? Bắn ngay...” - Vùng quê cách mạng anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và năng động, sáng tạo trong xây dựng cuộc sống mới hôm nay.
Người dân xã Chiềng Hặc (Yên Châu) kiểm tra xoài ghép trước khi xuất bán.
Trước khi về Chiềng Hặc, chúng tôi mong được gặp đủ các cô gái trong tiểu đội nữ dân quân năm xưa nhưng chỉ gặp được bà Quàng Thị Tển, là một trong 10 nữ dân quân năm xưa, hiện đang sinh sống cùng gia đình tại bản Huổi Lắc, xã Chiềng Hặc. Mấy chục năm trôi qua, cô gái Tển ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” năm xưa, nay làn da đã lốm đốm chấm đồi mồi của thời gian. Ánh mắt bà vẫn ánh lên niềm tự hào khi nhắc về một thời oanh liệt - thời mà bà cùng bao người khác sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ quê hương, đất nước. Bà Tển nhớ lại: Tiểu đội dân quân chúng tôi lúc đó có 10 người, đều ở lứa tuổi 16-17. Với phong trào “Tay cày, tay súng”, chúng tôi vừa trực chiến sẵn sàng chiến đấu khi có quân thù vừa tham gia sản xuất phát triển kinh tế. Dấu ấn trong thời kỳ đó là tháng 9/1966, Tiểu đội chúng tôi phát hiện một chiếc máy bay địch đang quần lượn trên bầu trời để do thám trận địa phòng không của ta. Khi máy bay vào đúng tầm ngắm, cả tiểu đội chúng tôi nổ súng, chiếc máy bay bị trúng đạn bốc cháy. Bà Tển đã mang ra khoe với chúng tôi Giấy khen của Quân khu Tây Bắc tặng năm 1973 và Huy chương Kháng chiến hạng Nhất do Chủ tịch nước tặng- Theo bà, đây là hai phần thưởng quý giá minh chứng thêm về một thời hào hùng của bà và các đồng đội, góp thêm vào truyền thống cách mạng của xã Chiềng Hặc Anh hùng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Về Chiềng Hặc lần này, chúng tôi không chỉ được nghe câu chuyện bắn rơi máy bay Mỹ năm xưa, mà còn được nghe, được chứng kiến sự năng động, sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc no ấm, hạnh phúc hôm nay. Chị Hà Thị Phượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chiềng Hặc phấn khởi: Đón xuân mới năm nay, người dân Chiềng Hặc phấn khởi về kết quả sản xuất sản phẩm cây ăn quả có chất lượng cao. Trong năm 2017, xã có hơn 5 tấn xoài được tuyển chọn để xuất khẩu sang Australia. Sản phẩm xoài của xã cũng đã đi vào được các siêu thị ở thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng..., tạo động lực để người dân tiếp tục trồng mới và cải tạo vườn tạp, với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đồng thời mang lại niềm tin về hướng đi mới trong phát triển kinh tế của xã. Chăn nuôi ở Chiềng Hặc cũng đã và đang được đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần giúp người dân xóa nghèo bền vững...
Trò chuyện với Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, chúng tôi hiểu phần nào về cách làm của Chiềng Hặc trong việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế. Xã Chiềng Hặc có 17 bản, với 1.139 hộ dân, thuộc 4 dân tộc: Thái, Kinh, Mông và Sinh Mun cùng chung sống. Toàn xã có gần 1.900 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng cây ngô. Song, do đất bị xói mòn, năng suất ngô đạt thấp, giá bán bấp bênh. Vì vậy, những năm qua, đã có một số hộ dân ở vùng dọc quốc lộ 6 chuyển một phần diện tích đất trồng ngô trên đất dốc sang trồng cây ăn quả, cùng với đó là thực hiện cải tạo vườn tạp với các loại cây có giá trị kinh tế cao như xoài, nhãn chín muộn... Năm 2015, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã xác định rõ nhiệm vụ chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả. Đến năm 2017, BCH Đảng bộ xã tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyên đề số 40-NQ/ĐU về quy hoạch phát triển trồng cây ăn quả và cây công nghiệp trên địa bàn xã. Trong quá trình đó, Chiềng Hặc căn cứ tiềm năng, lợi thế của các bản, cũng như nhận thức của người dân, đã chọn bản Văng Lùng làm điểm cải tạo vườn tạp và trồng mới các loại cây ăn quả có giá trị thay thế cây ngô, cây sắn. Để giúp người dân có kiến thức kỹ thuật, xã đã mời cán bộ Trạm Khuyến nông huyện về hướng dẫn bà con phương pháp cải tạo vườn tạp, lựa chọn cây giống để chiết ghép xoài, nhãn chín muộn. Bản Văng Lùng đã cử người về Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng Trung ương mời cán bộ kỹ thuật lên hướng dẫn bà con cải tạo vườn tạp bằng việc chiết ghép cây ăn quả có giá trị kinh tế... Bây giờ, Văng Lùng đã có 90 ha xoài, nhãn ghép, trong đó 80 ha xoài, với sản lượng khoảng 250 tấn xoài. Mô hình điểm trồng cây ăn quả có giá trị của bản Văng Lùng đã và đang được nhân dân trong xã nhân rộng. Hiện, toàn xã có 372 ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ yếu là cây xoài, ngoài ra còn trồng nhãn ghép chín muộn, trồng thử nghiệm cây chanh leo... Điều đó cho thấy, người dân xã Chiềng Hặc đã thay đổi tập quán sản xuất, năng động trong phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống no ấm.
Chăn nuôi ở Chiềng Hặc cũng đang được quan tâm đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, người dân trong xã từng bước chuyển từ thả rông gia súc sang chăn nuôi nhốt chuồng; quan tâm việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tận dụng các phế phẩm, sản phẩm nông nghiệp để chủ động dự trữ thức ăn trong mùa đông... Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm trong xã được duy trì và phát triển, với tổng số trên 33.400 con; sản phẩm chăn nuôi bước đầu trở thành hàng hóa... Năm 2017, Chiềng Hặc đã giảm được 2,22% hộ nghèo so với năm 2016 và đến thời điểm hiện tại xã có 10/17 bản hoàn thành bê tông tuyến đường trục chính; xã đã đạt 8 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trong chuyến công tác tại xã Chiềng Hặc lần này, chúng tôi đã về thăm bản Văng Lùng, được trải nghiệm những vườn xoài trải rộng, những cây xoài được trồng theo hàng một cách khoa học, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch; những tán lá cây xòe rộng, xum xuê, xanh ngát lấp lánh dưới ánh nắng xuân, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp - Bức tranh nông thôn mới mang dấu ấn của cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho người dân nơi đây.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!