Phát triển cây ăn quả ở bản Tà Làng thấp

Những năm gần đây, nhiều hộ dân bản Tà Làng thấp, xã Tú Nang (Yên Châu) đã cải tạo đất vườn, đất đồi để trồng cây ăn quả, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

Cán bộ khuyến nông xã Tú Nang (Yên Châu) hướng dẫn các hộ dân bản Tà Làng Thấp chăm sóc cây ăn quả

 

Thành lập năm 1956, với 8 hộ dân, đến nay bản Tà Làng thấp có 204 hộ, 806 nhân khẩu, thuộc 4 dân tộc Khơ Mú, Thái, Sinh Mun, Kinh cùng chung sống. Những năm 2000 trở về trước, Tà Làng Thấp còn nhiều khó khăn, cả bản có 70% số hộ nghèo, những ngày giáp hạt, 80% số gia đình thiếu đói. Kinh tế khó khăn là do mỗi năm, bà con chỉ sản xuất một vụ lúa nương hoặc trồng ngô, gieo trồng các loại giống địa phương, lại không áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất đạt thấp. Đến năm 2004, gần như 100% diện tích đất sản xuất của bản đều trồng ngô. Thời kỳ cây ngô phát triển mạnh, cả bản có 5 gia đình đầu tư xây dựng lò sấy, kho chứa ngô có diện tích lớn, lúc cao điểm mỗi lò sấy có 15-20 lao động thường xuyên làm việc; xe ô tô nhộn nhịp ra, vào thu mua ngô cho bà con. Đến năm 2010, giá ngô bắt đầu xuống thấp, cũng có năm cây ngô bị mất mùa do nắng nóng kéo dài, dẫn đến việc người trồng ngô thất thu. Vì thế, 3/5 kho ngô ở bản đã dừng hoạt động hiện đang để không, 2 kho còn lại thu mua ngô với số lượng hạn chế hoặc sử dụng để thu mua các loại nông sản khác từ các xã lân cận.

Từ năm 2016, thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất dốc, Ban Quản lý bản và các đoàn thể trong bản đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Cùng với đó, năm 2017, từ nguồn vốn của Dự án phát triển bền vững của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững, 11 hộ dân trong bản được hỗ trợ trên 600 cây nhãn giống và hơn 2 tạ phân bón để phát triển sản xuất. Hiện, bản có trên 70,5 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn chín muộn, xoài Yên Châu, xoài Đài Loan, xoài Úc... Đến thời điểm này, đã có 6,5 ha cho thu hoạch.

Bản Tà Làng Thấp có lợi thế về đất đai, đồi có độ dốc vừa phải, nguồn nước tương đối ổn định, phù hợp với việc phát triển các loại cây ăn quả. Vì vậy, năm thứ 3 sau khi trồng cây mới, các vườn nhãn, xoài đã cho thu hoạch, còn những vườn tạp được ghép giống mới thì năm thứ 2 cho thu hoạch. Có hộ dân trồng hàng nghìn cây, hiện đang phát triển tốt, một số diện tích đã cho thu hoạch. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Bình, trồng 2 ha xoài, nhãn, vụ năm 2016 thu bói hơn 1 tấn nhãn, 5 tạ xoài; anh Vì Văn Hùng chuyển đổi 3.000 m2 trồng ngô sang trồng hơn 700 cây nhãn, xoài; anh Vì Văn Đanh trồng hơn 1.200 cây xoài Đài Loan...

Trên đường cùng chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả của các gia đình trong bản, chị Vi Thị Huệ, cán bộ khuyến nông xã Tú Nang, cho biết: Hiện nay, nhiều mô hình cây ăn quả được người dân bản Tà Làng Thấp trồng thử nghiệm. Bước đầu những mô hình này cho thấy các loại cây ăn quả thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu. Tuy nhiên, do mới triển khai trồng trong thời gian ngắn nên các cơ quan chuyên môn cũng như xã đang theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây ăn quả này để đưa ra định hướng phù hợp, giúp bà con trong bản xóa đói, giảm nghèo.

Vườn cây ăn quả của chị Hoàng Thị Kiên, bản Tà Làng Thấp được trồng trên sườn đồi có độ dốc thoải và trồng theo hàng lối giống như ruộng bậc thang, thuận tiện cho việc chăm sóc. Chị Kiên chia sẻ: Để có được vườn cây này, năm 2013, gia đình tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để trồng trên 1.000 gốc nhãn ghép, 500 gốc xoài Đài Loan. Cây ăn quả phát triển tốt, năm ngoái cho thu hoạch bói hơn 1 tạ xoài, 2 tạ nhãn. Thời gian tới, tôi tiếp tục cải tạo hơn 2 ha đất đang trồng ngô để chuyển sang trồng cây ăn quả.

Phát triển cây ăn quả ở Tà Làng Thấp đang là hướng đi mới, mở ra triển vọng đối với kinh tế ở bản. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển diện tích cây ăn quả, rất mong cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả; hướng dẫn người dân áp dụng phương pháp cải tạo, chọn lọc và loại bỏ giống chất lượng thấp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương... 

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới