Nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu chuối Yên Châu

Những ngày đầu tháng 6 này, các hộ dân trồng chuối của huyện Yên Châu rất phấn khởi khi sản phẩm chuối được chứng nhận nhãn hiệu, khẳng định thương hiệu chuối ngọt Yên Châu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Người dân xã Chiềng Hặc chuẩn bị xuất bán chuối ra thị trường.

Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua, cây chuối đã trở thành một trong những cây ăn quả chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Yên Châu. Đến nay, toàn huyện có trên 514 ha chuối (25 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP), trong đó diện tích cho sản phẩm là 387 ha với sản lượng mỗi năm đạt khoảng 6.175 tấn (120 tấn thuộc chuỗi sản xuất quả an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường) được trồng tập trung tại các xã: Chiềng Đông, Sặp Vạt, Chiềng Hặc, Tú Nang. Đa phần chuối trồng chủ yếu tại Yên Châu là giống chuối tây, ban đầu được bà con trồng để lấy quả ăn, sau dần trở thành thứ hàng hóa đặc sản được nhiều người biết đến bởi độ ngọt và vị thơm ngon đặc trưng.

Hiện, sản phẩm chuối Yên Châu cung ứng ra thị trường gồm 4 loại sản phẩm chính là: quả chuối tươi, chuối sấy dẻo, chuối sấy giòn và rượu chuối, trong đó sản phẩm chuối tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là quả chuối tươi, thường được bán cho các thương lái và xuất đi Trung Quốc. Còn lại, sản phẩm chuối sấy dẻo, chuối sấy giòn và rượu chuối được sản xuất và phân phối tại Công ty cổ phần rượu Việt - Pháp. Tuy nhiên, sản lượng thu mua qua Công ty này chỉ chiếm 10% tổng sản lượng chuối của huyện với khoảng 360 tấn quả/năm.

Trước đây, trong khâu tiêu thụ sản phẩm, quả chuối tươi Yên Châu vẫn chưa có bao bì hay tem nhãn nào thể hiện được nguồn gốc xuất xứ; các thương lái thường thu mua theo từng đợt, giá cả không ổn định. Đối với sản phẩm chuối sấy dẻo, chuối sấy giòn và rượu chuối đang được Công ty cổ phần rượu Việt - Pháp sử dụng với tên nhãn hiệu là “Chuối sấy dẻo Yên Châu” và “Rượu chuối hột - Đặc sản của đất Yên Châu, Sơn La”. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa được đăng ký bảo hộ, nhãn hiệu thiết kế đơn giản, chưa có hệ thống nhận diện trên thị trường; người tiêu dùng thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất và danh tiếng đặc sản của địa phương.

Nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm chuối Yên Châu khẳng định chỗ đứng trên thị trường, từ năm 2017, huyện Yên Châu đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty nghiên cứu tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư CONCENTI đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tổ chức nhiều hội thảo đánh giá cảm quan sản phẩm quả chuối và góp ý, thống nhất về logo, bản đồ khu vực địa lý, bộ tiêu chí chứng nhận nhãn hiệu chuối Yên Châu, góp phần hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chuối. Bên cạnh đó, quy hoạch mở rộng diện tích chuối tại các xã dọc quốc lộ 6, khuyến khích các hộ dân tận dụng địa hình có độ dốc lớn, đất cằn cỗi để trồng chuối; thí điểm triển khai mô hình trồng chuối cấy mô tại xã Sặp Vạt với diện tích 4 ha, bước đầu cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, nhiều hộ dân thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.

Là một trong những gia đình nhiều năm gắn bó với cây chuối, ông Lò Văn Kim, bản Nà Ngà, xã Chiềng Hặc cho biết: Từ năm 2014, gia đình tôi đã chuyển gần 2 ha đất đồi trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chuối với hơn 500 gốc. So với các loại cây khác, chuối là loại cây dễ trồng, có khả năng chống hạn tốt, chi phí đầu tư thấp, sau khi trồng khoảng 1 năm đã cho thu hoạch, trung bình một gốc chuối cho thu hoạch luân phiên 3-4 lần/năm. Mỗi năm, tôi thu hoạch khoảng 6 tấn quả/ha, với giá bán từ 4.000-6.000 đồng/kg chuối quả, vườn chuối cho thu nhập trên 60 triệu đồng. Khi biết chuối Yên Châu đã được cấp nhãn hiệu, không chỉ tôi mà các hộ dân trồng chuối ở bản rất phấn khởi. Bởi khi có nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ cũng như giá trị chất lượng sản phẩm chuối được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhờ vậy, sản phẩm dễ tiêu thụ hơn, không lo bị tư thương ép giá, thu nhập sẽ cao hơn nhiều so với trước đây.

Ông Nguyễn Văn Điện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quy hoạch và phát triển cây chuối thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hướng dẫn nhân dân sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm chuối; khuyến khích, hướng dẫn các hộ trồng chuối thành lập HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tìm đối tác tiêu thị sản phẩm bền vững cho nhân dân trên địa bàn. Năm 2018, toàn huyện xuất khẩu 195 tấn quả chuối tươi sang thị trường Trung Quốc. Phấn đấu năm 2019, diện tích chuối trồng trên toàn huyện đạt 1.000 ha, xuất khẩu 1.000 tấn quả, với giá trị ước đạt 0,225 triệu USD sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Chất lượng chuối Yên Châu từ lâu đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Việc chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chuối Yên Châu là tiền đề, cơ sở quan trọng giúp cho việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị, uy tín chất lượng các sản phẩm từ quả chuối Yên Châu. Tin tưởng các sản phẩm từ chuối Yên Châu sẽ tạo được chỗ đứng vững trên thị trường, đảm bảo các quy định về hàng hóa khi tham gia thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Chủ động phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Chủ động phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Alo 114 -
    Mộc Châu là huyện trọng điểm về phát triển du lịch, công tác bảo đảm phòng chống cháy nổ trên địa bàn luôn được Công an huyện quan tâm, triển khai nhiều biện pháp, gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
  • 'Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

    Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

    Khoa Giáo -
    Với phương châm “Lấy trẻ làm trung tâm” giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, Trường Mầm non Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.
  • 'Hiệu quả các hoạt động cứu trợ nhân đạo

    Hiệu quả các hoạt động cứu trợ nhân đạo

    Xã hội -
    Bằng nhiều hoạt động thiết thực, những năm qua, các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn huyện Thuận Châu đã phát huy vai trò nòng cốt, là “cầu nối” trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, khơi dậy lòng nhân ái trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.
  • 'Ghi ở Trạm Y tế xã Yên Sơn

    Ghi ở Trạm Y tế xã Yên Sơn

    Sức khỏe -
    Đến với Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, chúng tôi ấn tượng với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang sạch đẹp, khuôn viên rộng rãi; phòng khám, điều trị được bố trí thuận tiện, có biển chỉ dẫn rõ ràng; y, bác sĩ tận tình thăm khám cho nhân dân.
  • 'Tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính nhà nước

    Tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính nhà nước

    Cải cách hành chính -
    Thực hiện phương châm tăng cường công khai giải quyết thủ tục hành chính trên cả 3 phương diện: Thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí, tỉnh Sơn La đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhiều thủ tục hành chính được rút gọn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
  • 'Phù Yên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    Phù Yên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    Huyện Phù Yên có dân số trên 121 nghìn người, chủ yếu sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc thu hút, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, quyền lợi và lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân, gia đình.