Mùa mận hậu ở Phiêng Khoài

Với hơn 1.000 ha mận hậu, sản lượng ước khoảng 14.000 tấn quả/năm, Phiêng Khoài được coi là “thủ phủ” mận hậu của huyện Yên Châu. “Bén duyên” với vùng đất này, cây mận hậu phát triển tốt, quả có màu sắc, vị ngọt, độ giòn đặc trưng khác hẳn với những giống mận của các địa phương khác, được khách hàng ở các vùng miền ưa chuộng.

Người dân xã Phiêng Khoài thu hái mận.

Từ đầu tháng 5, bà con nông dân trong xã bắt đầu thu hoạch mận. Năm nay, sản lượng và năng suất mận có thể giảm từ 40-50% so với vụ trước, do đầu năm lượng mưa không đều, khô hạn kéo dài ảnh hưởng lớn đến việc đậu quả; thêm nữa, trận mưa đá giữa tháng 4 đã làm thiệt hại nhiều diện tích mận chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Bù lại, năm nay mận được giá, cao gấp 5-7 lần so với vụ mận năm ngoái. Hiện tại, thương lái đang thu mua với mức giá dao động trong khoảng 12.000 - 40.000 đồng/kg, mận loại 1 vẫn duy trì ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg, loại 2 có giá từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, còn loại 3 từ 12.000-20.000 đồng/kg.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Nguyễn Văn Doanh ở bản Cồn Huốt 1 - một trong số những gia đình trồng mận lâu năm, phấn khởi cho biết: Sản lượng mận hậu năm nay của nhà tôi chắc chỉ được một nửa so với các năm trước, ước khoảng hơn chục tấn. Bù lại, giá mận quả lại cao hơn từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Từ đầu tháng 5 đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch hơn 4 tấn quả trên 1 ha mận đã cho thu hoạch. Dù sản lượng giảm, nhưng thu nhập của gia đình vẫn khá; chỉ trong mấy ngày đầu vụ, đã thu về gần 100 triệu đồng. Dự kiến, năm nay cho tổng thu khoảng 400 triệu đồng.

Những ngày này, đang có rất nhiều thương lái đến Phiêng Khoài thu mua, vận chuyển mận quả đến các chợ đầu mối để bán lẻ. Chị Lê Thị Loan, một tiểu thương chuyên thu gom mận ở xã vui vẻ nói: Mận hậu Phiêng Khoài không chỉ ngọt, giòn mà mẫu mã cũng rất bắt mắt. Mận vùng này có màu đỏ sẫm, lại còn nguyên phấn, nên được khách hàng, nhất là miền xuôi ưa chuộng. Bây giờ mới là đầu mùa, mận chín chưa nhiều, nhưng mỗi ngày, tôi cũng thu mua được 5-7 tấn mận chuyển đi Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh tiêu thụ. Dù giá hơi cao nhưng vẫn không đủ nguồn mận quả đáp ứng cho nhu cầu thị trường.

Các tiểu thương thu mua mận hậu ở Phiêng Khoài.

Được biết, toàn xã Phiêng Khoài có gần 1.090 ha cây mận hậu, chiếm gần 60% diện tích cây ăn quả của xã, trong đó 690 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước khoảng 14.000 tấn quả/năm. Hiện đã xuất hiện nhiều hộ gia đình thu nhập 200-500 triệu đồng/năm từ mận hậu. Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã, cây mận hậu được đưa vào trồng ở xã từ năm 1991, do khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với cây mận hậu, cùng với việc người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chiết, ghép nên cây mận ra nhiều đợt hoa, năng suất và chất lượng sản phẩm rất cao. Để giúp người dân phát triển kinh tế, xã đã hỗ trợ người dân áp dụng một số kỹ thuật mới vào việc trồng, áp dụng các quy trình sản xuất mận theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, phối hợp các đơn vị chức năng tăng cường giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng mận. Nhờ vậy, diện tích mận của Phiêng Khoài tăng dần qua các năm; thu nhập của các hộ dân trồng mận trên địa bàn cũng ngày càng tăng.

Có thể thấy, việc chuyển đổi diện tích trước đây trồng các loại cây lương thực, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nhất là mận hậu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, giúp người dân vùng cao biên giới Phiêng Khoài thoát nghèo bền vững.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới