Lợi ích kép từ trồng ngô dày

Vài năm trở lại đây, người dân bản Chiềng Sàng 2, xã Chiềng Sàng (Yên Châu) phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Xuất phát từ nhu cầu cung cấp thức ăn cho đàn vật nuôi nên hằng năm, cứ sau vụ lúa hè, bà con trong bản lại cải tạo diện tích đất ruộng để trồng ngô dày (còn gọi là ngô ủ ướp) để làm thức ăn cho gia súc.

Người dân bản Chiềng Sàng 2, xã Chiềng Sàng (Yên Châu) thu hoạch ngô dày làm thức ăn chăn nuôi gia súc.

 

Được tách từ bản Chiềng Sàng từ tháng 2/2016, bản Chiềng Sàng 2 hiện có 112 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, 100% là dân tộc Thái. Bên cạnh thu nhập từ vụ lúa và trồng tỏi, có 93% hộ dân trong bản đều chăn nuôi gia súc. Hiện bản có gần 300 trâu, bò, bà con nuôi để lấy sức kéo và còn để làm hàng hóa, trung bình một năm, các hộ đều bán từ 1-2 con bê. Ông Hoàng Văn Trường, Trưởng bản Chiềng Sàng 2 cho biết: Khi chưa có vụ ngô dày, thức ăn của gia súc là cỏ voi, rơm, rạ và ngọn mía. Năm 2015, một số hộ trong bản trồng ngô dày để nuôi trâu, bò, thấy hiệu quả nên các hộ khác làm theo. Trung bình một năm cả bản trồng 14 ha ngô dày làm thức ăn cho gia súc, nhiều gia đình mở rộng diện tích trồng để bán ngô ủ ướp.

Tìm hiểu được biết, người dân nơi đây gọi là “ngô dày” bởi khi trồng ngô độ hạt dày gấp 2-3 lần trồng ngô bắp. Vào khoảng tháng 11, sau khi thu hoạch lúa, bà con cải tạo đất ruộng để trồng ngô. Kỹ thuật trồng ngô dày khá đơn giản, rạch luống, vãi ngô theo luống, rồi lấp đất lên, hay có thể bổ từng hốc nhỏ, cho 1 nắm ngô giống vào rồi lấp đất. Ngô giống được lấy từ ngô bắp. So với trồng ngô bắp, trồng ngô dày không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần làm cỏ 1-2 lượt, bón 1 lần phân đạm, cây tự phát triển. Với mục đích trồng ngô lấy thân cây, nên không yêu cầu bắp ngô phải chất lượng, vì vậy, ngô dày không phải đầu tư nhiều mà vẫn cho thu hoạch. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông xã, Ban Quản lý bản hướng dẫn cách ủ chua thức ăn cho trâu, bò nên bà con chặt thân cây ngô về tự băm, sau đó cho vào túi nilon ủ men, để trong các chòi nhỏ khô thoáng. Túi nilon cao khoảng 2,5 m, có thể đựng được 5 tạ ngô ủ ướp, dự trữ thức ăn cho gia súc trong thời gian dài.

Ông Hoàng Văn Bính, bản Chiềng Sàng 2 chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ngô nếp xen trong vườn rau để phục vụ sinh hoạt, nhưng bây giờ, gia đình tôi trồng ngô dày làm thức ăn cho 5 con trâu, bò. Năm nay, nhà tôi trồng nhiều, khi thu về dùng máy băm sau đó cho vào 3 túi nilon dự trữ. Có ngô ủ ướp, nên chủ động được thức ăn vì vậy đàn vật nuôi phát triển tốt. 

Ngoài ra từ năm 2016, một số thương lái địa phương đã liên hệ với Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu để thu mua ngô ủ ướp tại bản Chiềng Sàng 2. Ngô trồng là giống LVN10 phát triển nhanh, thân cây to, ra bắp đều. Đến mùa thu hoạch, xe tải vào các bãi ruộng, mang theo máy để xát vụn cây ngô ngay tại chỗ rồi chở về nơi tiêu thụ. Một số diện tích ruộng ô tô không vào được tận nơi hoặc số lượng ít, bà con bó thành từng bó, rồi bán lẻ cho thương lái. Anh Lò Văn Hải, bản Chiềng Sàng 2 cho biết: Năm 2017, gia đình tôi trồng hơn 2.000 m2 ngô dày, tôi dành một nửa để làm thức ăn cho 6 con trâu, bò, còn lại bán 2,5 tấn cây ngô cho thương lái giá từ 800-1000 đồng/kg. 

Việc tận dụng diện tích đất ruộng để trồng ngô dày mới phát triển ở bản Chiềng Sàng 2 nhưng đã cho lợi ích kép. Đây là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, cần được nhân rộng tới các bản khác trong xã.

Huyền Trăng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới