Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Yên Châu

Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị, tạo sản phẩm hàng hóa có chất lượng, khả năng cạnh tranh, những năm qua, huyện Yên Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Vườn giống cây chuối nuôi cấy mô tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu.

Ông Nguyễn Văn Điện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Với trên 6.300 ha cây ăn quả các loại, trong đó trên 70% diện tích là xoài, nhãn, chuối và mận hậu, những năm trước đây, các loại cây ăn quả trên địa bàn huyện Yên Châu chủ yếu được người dân trồng theo phong trào, chưa chú trọng đến chất lượng giống, đầu tư chăm bón, cải tạo, nên chỉ sau vài năm thu hoạch, nhiều diện tích cây ăn quả bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp. Để nâng cao giá trị kinh tế của các loại cây ăn quả, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn đẩy mạnh việc hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cải tạo vườn tạp. Trong đó, tập trung lai tạo giống bằng phương pháp ghép mắt đối với cây nhãn, xoài và nuôi cấy mô đối với cây chuối để từng bước thay thế, cải tạo những diện tích cây đã bị già cỗi, thoái hoá. Năm 2018, huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã triển khai cho nhân dân đăng ký ghép cải tạo vườn tạp, kết quả có 4.175 hộ đăng ký; tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi 1.412 ha đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng một số giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao như: Nhãn chín muộn, xoài GL4 (Đài Loan), xoài Thái, chuối cấy mô, chanh leo...

Với cách làm cụ thể, khoa học, toàn huyện Yên Châu hiện có 213 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, trong đó: Ứng dụng ghép cải tạo thành công 130 ha nhãn chín muộn, 80 ha xoài bằng phương pháp ghép mắt và 3 ha chuối cấy mô. Đồng thời, tổ chức tập huấn về áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ trồng xoài trên địa bàn. Toàn huyện cũng đã có 77 ha nhãn và 23 ha xoài được cấp mã số vùng trồng và 35 ha nhãn, 12 ha xoài, 88 ha mận được cấp giấy chứng nhận an toàn VietGAP. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, sử dụng camera theo dõi trực tiếp toàn cầu, sản xuất theo hướng hữu cơ và có liên kết với các đơn vị xuất khẩu, điển hình như: Mô hình trồng nhãn miền thiết của hộ ông Nguyễn Đức Tình ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng liên kết với Công ty cổ phần Greenpath, cho lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm; mô hình trồng xoài tượng da xanh của bà Hoàng Thị Thảo, xã viên HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc liên kết với Công ty cổ phần Greenpath và Công ty TNHH Thanh Tùng Sơn La xuất khẩu sang thị trường Úc và Trung Quốc, cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm; mô hình trồng mận hậu của HTX nông nghiệp Toàn Phát ở bản Hăng Mon 1, xã Phiêng Khoài, năm 2018 thu hoạch 150 tấn quả, cho lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, huyện Yên Châu đã triển khai hỗ trợ thực hiện mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt cho 5 HTX, với 20 ha cây ăn quả. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình trồng rau thủy canh tại xã Sặp Vạt; mô hình sản xuất ngô bền vững trên đất dốc có vật liệu che phủ quy mô 60 ha cho 40 hộ nông dân tham gia tại xã Lóng Phiêng; mô hình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI quy mô 2,6 ha tại các xã: Chiềng Đông, Sặp Vạt. Triển khai thí điểm Trạm Quan trắc thông minh Imetos 3.3 tại 2 xã Sặp Vạt và Phiêng Khoài, giúp cảnh báo thời tiết, cảnh báo cháy rừng, lũ quét, phòng trừ sâu bệnh hại trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới người dân.

Trong chăn nuôi, huyện đã vận động người dân chú trọng áp dụng cho vật nuôi ăn, uống bằng hệ thống tự động; sử dụng đệm lót sinh học; xây dựng các công trình khí sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi... Nhờ đó, người dân đã giảm được đáng kể thời gian, công sức lao động cũng như bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Những hiệu quả bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện Yên Châu tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình. Huyện đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh và huyện; chú trọng chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ hợp lý; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đem lại thu nhập cao và hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững, tăng năng suất, chất lượng cũng như giá trị các loại nông sản trên địa bàn.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới