Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Từ đầu năm đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Yên Châu đã tích cực tham mưu cho Ban đại diện - HĐQT Ngân hàng CSXH huyện chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đồng thời, phân bổ kịp thời chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, tăng cường phối hợp với các đoàn thể nhận ủy thác, bảo đảm nguồn vốn được giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, gắn với kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng.

 

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân ở xã Chiềng Pằn phát triển cây ăn quả chất lượng cao.

Hiện nay, Phòng giao dịch đang triển khai 12 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến 15/15 xã, thị trấn, tổng dư nợ gần 330 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu tập trung vào chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cho vay hộ nghèo làm nhà ở, học sinh, sinh viên... Phòng giao dịch đã thực hiện tốt việc công khai, dân chủ trong công tác tín dụng, các điểm giao dịch ngân hàng CSXH tại trụ sở UBND các xã đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cùng với đó, thực hiện phương châm xã hội hóa công tác ngân hàng CSXH, Phòng giao dịch đã triển khai tốt cơ chế ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, gồm Hội Nông dân, Hội CCB, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên, với 272 tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn do 4 tổ chức hội đoàn thể quản lý chiếm 99% tổng dư nợ.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, cùng với sự tích cực vào cuộc, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hộ vay vốn của các tổ chức hội đoàn thể đã giúp các hộ nghèo, đối tượng chính sách có kiến thức để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hàng nghìn hộ ở các xã dọc quốc lộ 6, như Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Chiềng Hặc, Tú Nang, Viêng Lán đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai phát triển trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao và rau xanh theo quy trình VietGAP; các xã vùng cao biên giới, như Phiêng Khoài, Lóng Phiêng, Yên Sơn, Chiềng Tương phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, cải tạo vườn tạp và trồng rừng, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đã phát huy hiệu quả, đến nay, đã có hàng nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh được xây dựng, góp phần chuẩn hóa về y tế ở cơ sở, cải thiện môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đối với chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh thuộc vùng khó khăn, nguồn vốn đầu tư tập trung mở rộng các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, phát triển kinh tế trang trại và dịch vụ, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn. Chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã giúp đồng bào có điều kiện cải thiện và từng bước nâng cao đời sống. Các chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà được Phòng giao dịch triển khai hiệu quả, đúng đối tượng, giúp hàng trăm học sinh, sinh viên có điều kiện học tập và hộ nghèo cải thiện về nhà ở.

Cùng với đẩy mạnh giải ngân cho vay các chương trình tín dụng, Phòng giao dịch đã tích cực tuyên truyền, vận động, huy động tiền gửi tiết kiệm trong dân cư. Đến nay, số dư tiết kiệm qua các tổ tiết kiệm và vay vốn đạt gần 8,6 tỷ đồng, số dư tiền gửi tiết kiệm tại các điểm giao dịch xã 3,4 tỷ đồng. Việc huy động tiền gửi tiết kiệm trong dân cư tại các điểm giao dịch đã tạo điều kiện cho người dân thực hiện gửi tiền ngay ở xã, góp phần tiết kiệm chi phí đi lại và hạn chế rủi ro. Ngoài ra, cùng với việc tập trung giải ngân các nguồn vốn, công tác củng cố nâng cao chất lượng tín dụng được quan tâm, đặc biệt là việc xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, Phòng giao dịch đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác, thường xuyên phân tích nguyên nhân, đề ra các giải pháp xử lý các món nợ quá hạn, lãi tồn, hiện nợ quá hạn chỉ chiếm 0,02% tổng dư nợ. Đặc biệt, việc triển khai dịch vụ đối chiếu qua tin nhắn đã giúp cho khách hàng biết chính xác về số dư tiền vay, tiền gửi của mình, tránh được các tiêu cực xảy ra trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Với việc thực hiện tốt phương châm công khai, dân chủ trong công tác tín dụng và giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới