Xã Chiềng Hặc (Yên Châu) nằm dọc quốc lộ 6, có diện tích rừng lớn với giá trị lâm sản còn nhiều, những năm qua, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, phát huy tốt vai trò của nhân dân, bản Nà Ngà luôn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm địa bàn và bản Nà Ngà họp bàn phương án bảo vệ rừng trên địa bàn.
Hơn 30 năm qua, bản không để xảy ra cháy rừng và tại địa bàn không có tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, được đánh giá là một trong những bản tiêu biểu trong công tác quản lý và bảo vệ rừng...
Trước khi đến bản Nà Ngà, chúng tôi đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND xã Chiềng Hặc. Thông tin đầu tiên tiếp nhận được từ đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc, đó là: Xã có 4.613 ha rừng phòng hộ và sản xuất, giá trị lâm sản của rừng còn nhiều. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp tốt với lực lượng kiểm lâm, nên gần 10 năm nay trên địa bàn xã Chiềng Hặc không để xảy ra cháy rừng. Trong đó, bản Nà Ngà là một trong những bản tiêu biểu trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Mặc dù nhân dân trong bản vẫn còn duy trì việc trồng cây trên nương nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thu hút được sự vào cuộc của nhân dân, nhất là việc phát huy tốt vai trò của những người có uy tín và các khối đoàn thể của bản, nên việc giữ rừng ở đây được chấp hành rất tốt.
Hiện tại, bản Nà Ngà có 275 ha rừng phòng hộ và sản xuất nằm dọc hai bên quốc lộ 6, trong đó rừng được giao cho 1 cộng đồng và 46 chủ rừng quản lý, bảo vệ. Toàn bộ diện tích rừng giao cho các khối đoàn thể và hộ gia đình đều có ký cam kết gắn trách nhiệm và được hỗ trợ hằng năm. Nếu các khối đoàn thể hay hộ gia đình nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng được giao quản lý sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, căn cứ vào hương ước của bản, sẽ phải bồi thường và phục hồi lại diện tích rừng đã bị cháy hoặc bị xâm lấn. Ông Lò Văn Anh, Trưởng bản Nà Ngà, cho biết: Hàng năm, bản đều được hưởng một khoản tiền hỗ trợ từ việc bảo vệ rừng. Số tiền này sau khi được bàn bạc công khai với nhân dân, bản sẽ chi cho hoạt động chung của bản như: Làm đường giao thông, tu sửa kênh mương, trong đó có chi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hằng năm, bản luôn phát huy tốt vai trò của đội quản lý và bảo vệ rừng và vai trò của các đảng viên. Cùng với việc đưa nội dung bảo vệ rừng vào hương ước của bản, chi bộ bản còn ra nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ rừng, trong đó, phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho đảng viên phụ trách từng nhóm hộ và phân công khu vực quản lý, bảo vệ rừng cho 6 nhóm liên gia tự quản. Nếu đảng viên hay nhóm liên gia tự quản nào để các hộ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thì sẽ trừ vào thi đua, nhắc nhở tại các cuộc họp. Đối với các hộ vi phạm, ngoài việc phê bình trên hệ thống loa công cộng, bản còn đánh giá trong các dịp bình xét hộ gia đình văn hóa. Bản cũng quy định rõ, đối với rừng đầu nguồn không được chăn thả gia súc, lấy củi, kể cả cây nhỏ cũng không được chặt... Hương ước của bản quy định là vậy, nhưng hơn 30 năm qua, bản chúng tôi chưa phải áp dụng các quy định để xử lý do vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Tìm hiểu được biết: Hằng năm, vào những dịp nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao, bản thường xuyên chỉ đạo đội quản lý bảo vệ rừng và các nhóm liên gia tự quản tăng cường kiểm tra diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ. Đồng thời, duy trì thường xuyên hệ thống loa công cộng để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách làm đường băng cản lửa, báo cháy khi có cháy hay một số nội dung liên quan tới việc đốt nương; cử các nhóm liên gia tự quản giám sát những hộ đốt nương gần rừng, bố trí lực lượng phòng khi có lửa bén vào rừng... Ông Hà Văn Túi, nguyên Trưởng bản giai đoạn 1986-2000, thông tin: Trước đây rừng ở bản hay bị cháy do nhân dân đốt nương hay do một số người vào rừng khai thác gỗ, lấy mật ong, gây ảnh hưởng tới rừng. Trước tình hình trên, bản chúng tôi đã thống nhất và quy định rõ: Ngoài việc khai thác gỗ làm nhà phải có đơn thì việc đốt nương cũng phải được sự nhất trí của bản. Khi có hộ được phép đốt nương, bản sẽ cử nhóm liên gia tự quản giám sát. Tùy vào diện tích làm nương của từng hộ, bản sẽ cử số lượng của nhóm liên gia tự quản giám sát, hướng dẫn. Những người tham gia sẽ được bản chấm công theo ngày và được hỗ trợ tiền từ nguồn quỹ chung của bản.
Thành quả giữ rừng ở Nà Ngà được như ngày hôm nay chính là sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị từ xã đến bản. Trong đó, vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là ý thức bảo vệ rừng của mỗi người dân trong bản Nà Ngà được phát huy. Hơn 30 năm không để xảy ra cháy rừng, không có tình trạng khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái quy định cũng là kinh nghiệm quý để cho các cơ sở, địa phương khác trong tỉnh học tập và làm theo.
Quốc Tuấn
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!