Mặc dù tỷ số khi sinh trên địa bàn xã Viêng Lán chưa ổn định: Năm 2017 là 16 bé trai/20 bé gái; 8 tháng năm 2018 là 9 bé trai/6 bé gái, nhưng điều ghi nhận là người dân trong xã đã từng bước xóa bỏ quan niệm “trọng nam, khinh nữ”; phải có con trai để nối dõi tông đường... vì vậy không còn tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Viêng Lán
tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại bản Nà Và.
Đồng chí Hà Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chuyên trách dân số xã cho biết: Một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch về công tác dân số đó là nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, vận động, giáo dục về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, kiện toàn, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ chuyên trách dân số, cán bộ y tế và đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở; duy trì chế độ giao ban tháng, quý đối với cộng tác viên từng bản để nắm bắt tình hình thực tế. Qua đó, từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không lựa chọn giới tính thai nhi mà sinh con tự nhiên, góp phần ổn định cơ cấu dân số của xã ở mức cân bằng, hợp lý.
Hằng năm, hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Không phân biệt giới tính và không lựa chọn giới tính thai nhi”, “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”, “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”... được các tổ chức đoàn thể, như: Hội LHPN, Đoàn thanh niên... tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, lồng ghép tuyên truyền nội dung bình đẳng giới, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi... trong các buổi sinh hoạt, trong hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm hoặc tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng sinh con một bề; nam, nữ chuẩn bị kết hôn; cán bộ, công chức, viên chức; ông, bà, cha mẹ, người có uy tín trong gia đình, dòng họ... Trong các năm học, Trạm Y tế xã phối hợp với trường THCS trên địa bàn tổ chức sinh hoạt ngoại khóa về bình đẳng giới và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, giúp các em có nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, không bạo lực...
Cùng cán bộ chuyên trách dân số xã đến thăm bản Nà Và, đây là điểm sáng về công tác dân số của xã, với hơn 10 năm, bản không có trường hợp vi phạm chính sách dân số. Bà Quàng Thị Le, Bí thư Chi bộ bản Nà Và, chia sẻ: Bản có 41 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó 18 cặp sinh con một bề. Điều mừng là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” gần như đã được xóa bỏ. Để đạt được kết quả này, bản đã đưa nội dung công tác dân số, trong đó có việc thực hiện cân bằng giới tính khi sinh vào quy ước của bản để bà con cùng thực hiện. Đồng thời, tổ chức cho phụ nữ gặp mặt, chia sẻ phương pháp chăm sóc, nuôi dạy con cái trưởng thành; kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Do thực hiện tốt công tác dân số gắn với phát triển kinh tế, nên số hộ nghèo giảm còn 1,5%; trên 92% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Đến thăm một số hộ gia đình sinh con một bề là gái ở bản Mường Vạt nhưng không có ý định sinh thêm con, chúng tôi nhận thấy rõ hơn tư tưởng tiến bộ của người dân về giới tính. Đơn cử như gia đình chị Tòng Thị Chúc, sinh được 2 con gái. Chị Chúc nói: Bản thân tôi thấy hạnh phúc vì có hai con gái chăm ngoan, học giỏi, biết giúp đỡ ông bà, bố mẹ... Bây giờ vợ chồng tôi tập trung phát triển kinh tế, nuôi dạy hai con thật tốt. Tôi không quan trọng là con trai hay con gái mà chỉ mong các con lớn lên sẽ trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Bây giờ, người dân xã Viêng Lán không còn quá nặng nề về việc phải có con trai nối dõi tông đường, việc sinh con đang từng bước tiến tới cân bằng, tự nhiên. Đây là điều kiện tốt để người phụ nữ nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.
Hạnh Vi (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!