Những năm qua, Đảng bộ xã Chiềng Sàng (Yên Châu) luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên ở cơ sở; lãnh đạo nhân dân trong xã khai thác tiềm năng thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao mức sống cho nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 22,9%, hộ cận nghèo còn 13,2% (theo tiêu chí mới).
Nhân dân xã Chiềng Sàng (Yên Châu) mở rộng diện tích trồng rau sạch.
Đảng bộ xã Chiềng Sàng có 13 chi bộ trực thuộc, trong đó 8 chi bộ bản, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ trạm y tế xã và 1 chi bộ cơ quan xã, với tổng số 270 đảng viên. Từ điều kiện thực tế của địa phương, hằng năm, Đảng bộ xã đã ra nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, của gia đình, nhất là chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế; đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; các bản dọc quốc lộ 6 phát triển mạnh kinh doanh dịch vụ... Đồng chí Hoàng Văn Xuân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chiềng Sàng cho biết: Đảng bộ xã đã chỉ đạo chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xã tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Xây dựng các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế để nhân diện rộng. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân theo cách “cầm tay chỉ việc”, nắm bắt quy trình kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất. Hướng dẫn nhân dân chuẩn bị tốt đất, giống, phân bón để phục vụ sản xuất các mùa vụ.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã, những năm qua, nhân dân xã Chiềng Sàng đã có bước chuyển biến tích cực về thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, nhất là việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, đã đưa các giống lúa lai, ngô lai vào thâm canh trên 788 ha, sản lượng thóc đạt gần 1.700 tấn/năm, sản lượng ngô gần 3.500 tấn/năm; 164 ha mía cho sản lượng hơn 9.400 tấn/vụ. Đặc biệt, bà con bước đầu thực hiện cải tạo, trồng mới diện tích cây ăn quả, với tổng số gần 65 ha cây xoài, nhãn, chuối...Ở một số bản còn thực hiện trồng rau sạch, với sản lượng hàng trăm tấn/năm, được bán ở thị trường trong huyện và các huyện lân cận. Cùng với đó, chăn nuôi bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Các hộ chăn nuôi từng bước chuyển từ tập quán thả rông gia súc sang chăn nuôi nhốt chuồng; áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; nhiều hộ tận dụng diện tích đất bạc màu trồng cỏ lấy thức ăn chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Hiện toàn xã có trên 2.000 con trâu, bò; hơn 2.000 con lợn trên 2 tháng tuổi; trên 20.000 con gia cầm các loại... Góp phần nâng thu nhập bình quân ở xã đạt trên 14 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, Đảng bộ xã đã chỉ đạo chính quyền xã và các tổ chức đoàn thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cùng với nguồn kinh phí của các chương trình, dự án, xã đã vận động nhân dân phát huy nội lực xây dựng cơ sở hạ tầng, như: Đường giao thông liên bản, nội bản, trường học, nhà văn hóa bản... Tính riêng 9 tháng năm nay, toàn xã đã bê tông được 9.246 m đường giao thông nông thôn, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân hiến đất, đóng góp tiền mua vật liệu cát, sỏi và góp công lao động thi công các tuyến đường, với mức đóng góp bình quân trị giá từ 13-15 triệu đồng/người. Đến thời điểm này, Chiềng Sàng đã đạt 9 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xã phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ đạt thêm 3 tiêu chí: Hệ thống tổ chức sản xuất, giao thông và giáo dục.
Nói về nhiệm vụ tiếp tục lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, đồng chí Hoàng Văn Xuân thông tin: Đảng ủy xã đã xác định rõ những hạn chế trong phát triển kinh tế của xã, đó là: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hạn chế dẫn đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm; chưa xây dựng được mô hình kinh tế đột phá để nhân diện rộng... Từ đó, Đảng ủy xã đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: Chỉ đạo UBND xã, các tổ chức đoàn thể tăng cường hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; chuẩn bị tốt các điều kiện để thành lập các nhóm liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình kinh tế điểm để nhân diện rộng; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi... Phấn đấu nâng cao mức sống cho nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,6% vào năm 2020 và đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!