Cuộc sống mới ở bản TĐC Yên Quỳnh

Sau hơn 10 năm di chuyển đến nơi ở mới theo chương trình di dân tái định cư thủy điện Sơn La, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự động viên của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng nhân dân sở tại, đến nay, cuộc sống của người dân bản tái định cư Yên Quỳnh, xã Yên Sơn (Yên Châu) đang ngày càng ổn định, nhân dân yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống trên quê hương thứ hai.

Bản TĐC Yên Quỳnh, xã Yên Sơn (Yên Châu) hôm nay.

Tháng 1 năm 2008, thực hiện công tác di dân tái định cư phục vụ xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, 31 hộ đồng bào dân tộc Thái của 2 bản Co Đớ, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai) và bản Ít, xã Pha Khinh (nay là xã Pá Ma Pha Khinh) chuyển đến xã Yên Sơn thành lập bản tái định cư Yên Quỳnh. Khi mới chuyển về đây, ngoài diện tích đất ở, cả bản được giao 39,2 ha đất nông nghiệp, trong đó 34 ha mía, 5,2 ha ngô. Do đã quen với tập quán thâm canh lúa nước, trồng sắn và đánh bắt cá trên sông Đà, nên thời gian đầu bà con còn lúng túng trong việc chăm sóc ngô, mía. Sau khi ổn định chỗ ở, bà con tích cực tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với đó, nhân dân sở tại cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trồng mía, trồng các giống ngô lai. Nhờ vậy, nhiều năm nay, nhân dân trong bản trồng hơn 30 ha mía giống mới, năng suất bình quân 75 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 2.400 tấn/năm. Sản phẩm đã được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La vào tận nơi thu mua với mức giá ổn định, giúp cho bà con có thêm nguồn thu nhập từ cây mía.

Trên đường vào Yên Quỳnh, chúng tôi thấy nhiều xe máy mới dựng trước cửa nhà, xe tải chở hàng cũng bon bon vào tận nương mía thu mua sản phẩm. Cuộc sống ấm no đang hiện hữu trong từng ngôi nhà, ngõ xóm, những mái tôn, ngói đỏ tươi xen lẫn màu xanh mướt của nương mía, vườn cây ăn quả tạo nên bức tranh sinh động với khung cảnh trù phú, yên vui. Qua câu chuyện với ông Lường Văn Thính, Trưởng bản Yên Quỳnh, chúng tôi hiểu thêm về sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của bà con trong bản. Sau các chuyến tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trên một số địa phương lân cận, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng cây ăn quả, nhân dân trong bản đã chuyển đổi 6 ha đất trồng ngô, mía sang trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, bà con trong bản còn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng hình thức nuôi nhốt chuồng; thực hiện tiêm vắc xin định kỳ phòng bệnh, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, ủ chua thức ăn và tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch mùa vụ... Nhờ vậy, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Hiện, bản có trên 80 con trâu, bò, gần 200 con lợn, 3.000 con gia cầm các loại...

Những ngày này, nhân dân bản TĐC Yên Quỳnh đang tất bật tập trung thu hoạch mía và làm cỏ, bón phân cho vườn cây ăn quả. Chị Điêu Thị Điệu chia sẻ: Khi mới chuyển về nơi ở mới, thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào 1,2 ha nương trồng ngô, mía. Năm 2016, gia đình đã chuyển đổi sang trồng hơn 500 cây nhãn, trên 1.000 cây xoài, vụ đầu cho thu hoạch bói hơn 1 tấn quả nhãn. Đồng thời, duy trì chăn nuôi hơn 10 con lợn, 2 con bò sinh sản, nhờ đó kinh tế gia đình đã khấm khá hơn.

Trong ngôi nhà sàn khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, chị Lường Thị Thinh (bản Yên Quỳnh, xã Yên Sơn) phấn khởi: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bà con trong bản chuyển về tái định cư ở đây có điều kiện sống tốt hơn, có trường học cho con trẻ, có điện lưới quốc gia, có nước sạch để dùng, nương rẫy gần nhà thuận tiện cho sản xuất... Bà con được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại nhà văn hóa bản được xây dựng khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, gia đình yên tâm xây dựng cuộc sống trên quê mới.

Đời sống của nhân dân bản tái định cư Yên Quỳnh ngày càng đổi thay tích cực, bà con đã yên tâm ổn định cuộc sống, tích cực sản xuất, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no trên quê hương mới. Yên Quỳnh đang khởi sắc từng ngày. Trưởng bản Lường Văn Thính cho biết thêm:  Bà con trong bản luôn đoàn kết, đồng lòng cùng với chính quyền địa phương khắc phục khó khăn, hăng say lao động sản xuất. Hiện, có trên 90% hộ dân trong bản có mức sống từ trung bình trở lên; thu nhập bình quân đạt hơn 16 triệu đồng/người/năm; 100% gia đình được dùng điện lưới quốc gia, có nước hợp vệ sinh, có phương tiện nghe nhìn; trên 97% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; 3 năm liên tục (2016-2018) bản giữ vững danh hiệu bản văn hóa cấp huyện...

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới