Chuyện từ “vùng đất bị bỏ quên”

Theo tiếng dân tộc Thái, Mường Lựm nghĩa là “vùng đất bị bỏ quên”, bởi xã Mường Lựm (Yên Châu) xưa kia tách biệt hẳn với bên ngoài, giao thông cách trở. Hôm nay, nếu được một lần về nơi đây, ngắm phong cảnh, trò chuyện với người dân và nghe những câu chuyện kể từ Mường Lựm, sẽ khiến người ta không thể quên.

 Một đoạn suối Huổi Luông (từ năm 1967 được xây đập để làm hồ thủy lợi).

 

Nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của Yên Châu

Nằm ở độ cao trung bình 1.137 m so với mặt nước biển, đặc điểm khác biệt rõ nét nhất ở Mường Lựm là khí hậu mát mẻ với những cánh rừng xanh tốt luôn ẩn khuất trong sương mù. Môi trường trong lành nên người dân ở đây có tuổi thọ cao, cả xã đã và đang có hàng chục cụ sống trên 100 tuổi. Người chúng tôi tìm gặp đầu tiên là bà Hoàng Thị Hóm (vợ của ông Hoàng Văn Cấu, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Mường Lựm từ 1945 - 1948). Bà Hóm năm nay đã hơn 110 tuổi, không chỉ là đại diện cho lớp người bách niên giai lão của Mường Lựm,  mà bà còn là nhân chứng của lịch sử. Bà vẫn còn minh mẫn và kể rành rọt về những địa bàn bị địch ở đồn Mường Lựm càn quét nhiều lần như Pá Kha, Co Khương, Đa Hà, Xam Kha, Tà Phềnh, Nà Mường, Căng Khúa,... Bà bảo: quân Pháp khi đó thường lùng sục, càn quét, vơ vét các khu lũng trại, khu nhân dân sơ tán để đàn áp, phát triển mạng lưới do thám để khống chế hoạt động của cán bộ, bộ đội. Nhân dân, du kích Mường Lựm đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương có nhiều trận đánh phục kích bằng bom, mìn tự tạo, hầm chông  gây cho địch rất nhiều tổn thất. Tiêu biểu như tháng 5/1948, quân Pháp điều 45 lính khố đỏ, 100 lính dõng từ Đồn Yên lỵ vào Mường Lựm đánh úp bộ đội chủ lực ở lũng Nặm Thúm. Trận chiến diễn ra ác liệt, nhiều giờ, chúng bị tiêu diệt 12 tên và phải rút về Đồn Yên lỵ. Trên đường dút chạy, chúng lại bị phục kích ở Huổi Luông, bị tiêu diệt thêm 17 tên, 20 tên bị thương. Quân ta đã thu nhiều quân trang, vũ khí, thắng lợi này đã khích lệ và cổ vũ nhân dân Mường Lựm ngày càng hăng hái ủng hộ kháng chiến.

Ông Hoàng Văn Phớ, nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Lựm từ năm 1973 đến 1994, cho biết: Ngày 11/6/1948, chi bộ đảng đầu tiên của Yên Châu được thành lập tại gốc đa Nóng Luông ở bản Lựm, xã Mường Lựm (nay là bản Na Băng, xã Mường Lựm). Chi bộ khi đó đóng vai trò như Đảng bộ huyện, lãnh đạo toàn diện ở địa phương. Chi bộ khi mới thành lập có 4 đảng viên là đồng chí Trần Hạnh, Hoàng Thưởng, Cầm Khương và do đồng chí Trần Quang Hòa làm Bí thư. Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều gia đình không quản ngại hy sinh, bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động; nhân dân xã Mường Lựm đã ủng hộ 12 tấn gạo; 105 tấn thóc; 41 con trâu bò thịt; 1,6 tấn gà, vịt, lợn. Phát huy tốt truyền thống đoàn kết, yêu nước và cách mạng, góp phần cùng với bộ đội chủ lực, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đánh bại hoàn toàn thực dân phong kiến, tay sai, giải phóng quê hương.

Đoàn kết, chung sức xây dựng bản mường

Chủ tịch UBND xã Hà Đức Mưu khoe với tôi, xã đã giành 9 ha ruộng nước chia sẻ cho hai bản TĐC Nà Ban và Nà Ngua được quy hoạch liền vùng, liền mảnh. Khi đó, mỗi hộ dân ở Mường Lựm đã bớt từ 500 đến 600 m2 đất ruộng để xây dựng quỹ đất sản xuất cho các hộ dân TÐC. Đồng chí Cà Văn Xoan, Bí thư chi bộ bản TĐC Nà Ban, cho biết: Công tác đón dân TĐC thủy điện Sơn La ở xã Mường Lựm diễn ra từ tháng 4/2008 đến 31/12/2008 với 67 hộ chuyển đến từ xã Hua Trai, huyện Mường La. Chúng tôi đến được người dân sở tại ủng hộ giúp đỡ hơn 3.300 ngày công bốc dỡ vật liệu, dựng 30 lán tạm, 67 nếp nhà mới, ủng hộ hơn 400 gánh củi. Mỗi hộ TĐC được nhận 2.000 m2 đất nương; mỗi khẩu có 270 m2 đất ruộng nước. Bà con TÐC ở hai bản Nà Ban và Nà Ngua còn được xã ưu tiên ruộng tốt, gần bản, có hệ thống thủy lợi mương phai cứng hóa để canh tác. Nhiều dòng họ của các hộ dân sở tại và các hộ tái định cư đã kết nghĩa anh em như dòng họ Hoàng (sở tại) nhận dòng họ Cầm (bản TĐC Nà Ban); nhiều đôi trai gái đã nên vợ, nên chồng, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc trên quê hương Mường Lựm.

Tiềm năng đang được khai thác

Hệ thống suối, hồ ở Mường Lựm khá nhiều, nổi bật như suối Huổi Luông (từ năm 1967 được xây đập để làm hồ thủy lợi) với diện tích mặt nước rộng 15 ha, lượng nước 1,5 triệu m3; hồ Lốm diện tích 1,2 ha. Nhiều suối chảy qua như suối Sung Xả, bắt nguồn từ núi Sung Xả chảy qua bản Lựm; suối Huổi Thắm Thọc bắt nguồn từ chân núi đá Túm Cáy chảy ra bản Luông. Các hồ ở đây có rất nhiều cá, sản lượng khi thu hoạch tới vài tấn, cá trắm, cá chép nặng 6-7 kg ở các hồ được người dân bắt lên rất nhiều. Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu nên việc canh tác nông nghiệp ở Mường Lựm rất phong phú với những cánh đồng lúa nước trải rộng dưới các thung lũng. Ở Mường Lựm còn có giống lúa đặc sản nếp tan Mắc Đươi, dùng để đãi khách đến thăm nhà; có nhiều lâm sản quý như cây thông đỏ (hay gọi là thông Pà Cò), cây bách xanh và nhiều tài nguyên khoáng sản khác.

Nói về hướng đi tới của Mường Lựm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, thông tin: Huyện đã trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án khu căn cứ hậu phương huyện Yên Châu với tổng kinh phí đầu tư 80 tỷ đồng; chuẩn bị khởi công dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống tưới hồ Mường Lựm dài hơn 4 km với kinh phí đầu tư hơn 9 tỷ đồng; triển khai nhiều dự án bảo tồn phát triển rừng, trồng cây ăn quả dọc hai bên đường, các đảo trên hồ, xây dựng các tuyến giao thông kết nối tỉnh lộ 104 Mường Lựm đi Tân Lập (Mộc Châu),... để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống và thu nhập cho bà con ở Mường Lựm.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới