Khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, những năm qua xã Chiềng Sàng (Yên Châu) đã vận động nhân dân xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xã xuống còn 15%.
Người dân xã Chiềng Sàng (Yên Châu) chăm sóc đàn gia súc.
Để bà con thay đổi tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xã đã chỉ đạo ban quản lý các bản tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo quy mô trang trại, nuôi nhốt chuồng; đầu tư con giống có chất lượng vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y huyện mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức kỹ thuật, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, đảm bảo vệ sinh môi trường; dự trữ rơm khô, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc; tận dụng bìa rừng, diện tích đất trồng cây năng suất thấp để trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc; thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ. Nhờ vậy, những năm gần đây, trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Hiện, toàn xã có 2.018 con trâu, bò; 340 con dê; 600 con lợn trên 2 tháng tuổi; hơn 18.300 con gia cầm các loại.
Trao đổi về phát triển chăn nuôi ở xã, đồng chí Lường Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sàng, cho biết: Xã đã chỉ đạo các bản thường xuyên phát động phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều hộ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi từ 10 - 20 con trâu, bò theo mô hình trang trại, có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm, như gia đình các ông, bà: Ngô Văn Phong (bản Mai Ngập), Lò Thị Nghiên (bản Chiềng Sàng 2), Vũ Chí Sơn (bản Chiềng Kim), Lò Văn Thắng (bản Chiềng Sàng)...
Đến thăm mô hình nuôi bò nhốt chuồng tại bản Mo (Chiềng Sàng), là bản có số lượng gia súc, gia cầm lớn của xã, với 256 con trâu, bò; 30 con dê; hơn 3.000 con gia cầm. Ông Quàng Văn Hùng, Trưởng bản Mo cho biết: Để đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, Ban Quản lý bản đã vận động bà con xây dựng chuồng trại kiên cố; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như: Lá ngô, ngọn cây mía, rơm rạ và trồng hơn 7 ha cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc. Bên cạnh đó, tổ chức cho bà con trao đổi kinh nghiệm về cách phối giống bò, cách chăm sóc gia súc, gia cầm... Nhiều hộ có thu nhập khá từ chăn nuôi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở bản còn 14,8%.
Tiếp tục đến thăm gia đình anh Quàng Văn Sơn, bản Búng Mo. Gia đình anh có 12 con trâu, bò; hơn 200 con gia cầm các loại. Trước đây, gia đình anh chỉ nuôi 1 đến 2 con trâu để lấy sức kéo phục vụ việc cày cấy, năm 2015, được cán bộ xã, bản vận động nuôi thêm gia súc làm hàng hóa, gia đình anh đã đầu tư vốn mua trâu, bò giống, làm chuồng trại kiên cố, tích cực tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do xã tổ chức, áp dụng vào thực tế chăn nuôi. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đàn vật nuôi phát triển nhanh, không bị dịch bệnh. Mỗi năm gia đình anh xuất ra thị trường 4 - 5 con bò, thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm.
Thời gian tới, xã Chiềng Sàng tiếp tục hướng dẫn nhân dân mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ người chăn nuôi thông qua nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi; vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trống, đồi trọc và đất vườn tạp để trồng cỏ voi, đảm bảo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi... Phấn đấu đàn vật nuôi trên địa bàn xã phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhằm tăng thu nhập cho người chăn nuôi, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính của xã.
Hạnh Vi (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!