Những năm qua, xã Chiềng Hặc (Yên Châu) đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, góp phần nâng thu nhập bình quân lên 15 triệu đồng/người/năm 2017; giảm 2,1% số hộ nghèo so với năm 2016.
Người dân xã Chiềng Hặc (Yên Châu) chăm sóc vườn cây ăn quả.
Chiềng Hặc có trên 1.759 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu được bà con trồng lúa, ngô, sắn... Những năm qua, xã đã kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả. Đồng thời, vận động bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế; tập trung nguồn vốn từ chương trình 135, xây dựng các mô hình, hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, vật tư để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả cho bà con... Hiện, tổng diện tích cây ăn quả toàn xã trên 460 ha, trong đó, 350 ha cây ăn quả đã cho thu hoạch, còn lại đang trong giai đoạn chăm sóc, chủ yếu là: Xoài, nhãn, chuối, mận... tập trung tại các bản: Văng Lùng, Nà Ngà, Huổi Mong, Huổi Toi, Hát Xét... Sản lượng trung bình đạt 1.553 tấn/năm. Từ năm 2017 đến nay, toàn xã đã ghép cải tạo 168,3 ha cây ăn quả theo Nghị quyết 28/2017/NQ-HĐND về quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Hiện, 5 HTX nông nghiệp trên địa bàn chuyên trồng cây ăn quả, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm và tham gia chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm.
Cùng cán bộ khuyến nông xã đến thăm bản Văng Lùng (Chiềng Hặc) một trong những bản có diện tích cây ăn quả lớn nhất xã, với trên 70 ha. Ông Hà Văn Tiền, Trưởng bản Văng Lùng, cho biết: Năm 2008, một số hộ dân trong bản đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn sang trồng nhãn, xoài, bưởi và ghép cải tạo lại diện tích cây ăn quả bản địa. Đến mùa thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua, người dân không phải mất chi phí vận chuyển đi tiêu thụ. Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm, tiêu biểu như gia đình các ông, bà: Hà Văn Sơn, Hà Văn Nam, Hà Thị Thủy...
Tiếp tục đến thăm mô hình 5 ha nhãn ghép trồng trên đất dốc của 3 hộ gia đình các ông, bà: Hà Văn Kim, Hà Văn Đuôn, Hà Thị Thúy, tại bản Nà Ngà (Chiềng Hặc). Qua trò chuyện với các hộ dân được biết, trước đây việc trồng nhãn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhưng những năm gần đây, bà con đã áp dụng phương pháp lai ghép nhãn địa phương với giống nhãn Hưng Yên, nhãn miền thiết... cho sản lượng, chất lượng cao. Đồng thời, chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng các giống nhãn năng suất cao. Bên cạnh đó, bà con tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn do huyện, xã tổ chức nên diện tích nhãn ghép của bản phát triển tốt và ngày càng mở rộng.
Thực tế cho thấy, việc trồng cây ăn quả đang là hướng đi phù hợp của xã Chiềng Hặc. Những kết quả bước đầu trong việc mở rộng diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước đưa cây ăn quả trở thành cây trồng chính. Thời gian tới, Chiềng Hặc tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả trên đất dốc; tăng cường mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân; tư vấn, hỗ trợ nhân dân các bản liên kết thành lập hợp tác xã nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Hạnh Vi (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!