Cần khôi phục làm lam chè ở Ôn Ốc

Những năm 80 của thế kỷ trước, nghề sao chè, làm lam chè (chè được bảo quản trong ống tre, còn gọi là ống lam) truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm (Yên Châu) phát triển khá mạnh. Sản phẩm chè được chế biến từ những cây chè cổ thụ ở Ôn Ốc có hương vị riêng khó nơi nào có được, đã giúp người dân có thêm thu nhập trong thời gian nông nhàn.

 

Người dân bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm thu hái chè.

Theo các cụ cao niên ở đây, những cây chè cổ thụ đã có hàng trăm năm tuổi, thân cây to, có màu trắng mốc xù xì, cây cao từ 5-7 m, tán vươn cao, lá chè to bản màu xanh đậm, búp chè to. Nghề sao chè, làm lam chè được coi là hưng thịnh nhất vào giai đoạn 1995-2000, lúc đó mỗi hộ trung bình chế biến từ 7-10 kg/vụ. Sản phẩm chè có giá bán từ 100-150 nghìn đồng/kg, hoặc được mang về xã Chiềng Hặc, Tú Nang, Thị trấn để đổi thóc, đổi vải. Ngày đó, nhà nào có chục cây chè cổ thụ thì không lo bị đói trong thời gian giáp hạt. Sản phẩm chè cổ thụ Ôn Ốc được người mua nhận biết qua những đặc trưng riêng như: Được bảo quản trong ống lam, cánh chè khô có màu vàng nâu, nước trà có màu vàng mật ong, vị chát nhẹ khi mới uống và đọng lại vị ngọt dịu nơi cuống họng, đặc biệt là chè có thể pha 2-3 nước mà chưa bị nhạt.

Một trong những người gắn bó với nghề làm lam chè ở Ôn Ốc là ông Vừ Lao Lệnh, năm nay 78 tuổi, ông nói: Từ đầu tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 năm sau là thời điểm thích hợp nhất để thu hái chè, sao chè, bởi khí hậu lúc này đã chuyển lạnh, ít mưa lại có mây mù, nên hương vị, chất lượng chè tốt nhất. Trò chuyện với ông Lệnh, được biết, sau khi chè búp tươi được hái về mang sao, vò đều tay 3-4 lượt trên chảo gang, khi những cánh chè chuyển màu nâu vàng lấm tấm bạc, xoăn như lưỡi câu là được. Cứ 10 kg chè búp tươi sẽ chế biến được 1 kg chè khô thành phẩm. Sản phẩm chè được bảo quản trong ống lam có thể để cả năm mà hương vị vẫn giữ nguyên. Để làm lam chè, người chế biến chè sử dụng một ống lam tươi, dài từ 30-40 cm, đường kính khoảng 5-7 cm, sau khi đã làm sạch ống lam, vừa đốt ống lam bằng than nóng, vừa cho từng vốc chè đã sao khô vào ống lam và dùng gậy gỗ giã nhiều lần để nén chè trong ống đến khi đầy ống, rồi để trên gác bếp, khi ống lam khô hẳn là có thể sử dụng được. Bí quyết sử dụng ống lam tươi để bảo quản chè là: Khi đốt trên than nóng, nước từ thân ống lam tươi cùng với hơi nóng tạo ra một chất keo tự nhiên liên kết các cánh chè lại với nhau, đồng thời tạo vị thơm đặc trưng của chè nơi đây.

Tuy nhiên, nếu như trước đây bản Ôn Ốc có khoảng 700-800 cây chè cổ thụ thì nay chỉ còn 250 cây, nguyên nhân là do người dân chặt bỏ để trồng các loại cây khác. Cùng với đó, các sản phẩm chè đóng gói xuất hiện ngoài thị trường ngày càng nhiều, giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, khiến cho sản phẩm lam chè truyền thống ở Ôn Ốc mất dần vị thế. Bởi vậy, hiện nay ở bản Ôn Ốc chỉ còn 4 gia đình duy trì việc hái, làm lam chè theo cách truyền thống. Mỗi năm, các gia đình này chỉ chế biến được từ 2-3 kg chè khô (khoảng 4-6 ống lam), giá hiện tại từ 200-300 nghìn đồng/kg, nhưng cũng chỉ làm với số lượng hạn chế để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và làm quà biếu cho người thân, bạn bè.

 

Công đoạn làm lam chè truyền thống của người dân bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm (Yên Châu).

 

Bây giờ, những người có thói quen uống chè được chế biến từ cây chè cổ thụ ở Ôn Ốc rất khó để mua được loại sản phẩm này, bởi không những số lượng cây chè giảm mà người chế biến lam chè truyền thống cũng không còn nhiều. Vì vậy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Mường Lựm đã tuyên truyền, vận động nhân dân bản Ôn Ốc thực hiện việc bảo tồn những cây chè cổ thụ và giữ nghề làm lam chè, tránh để nghề truyền thống này bị mai một.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới