Bản Văng Lùng thu gom vỏ chai thuốc BVTV sau sử dụng

Con đường vào bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu) được bê tông rộng rãi, sạch sẽ; hai bên đường là những ngôi nhà sàn lợp ngói, nhà xây kiên cố, xen kẽ là những cây xoài, cây nhãn trồng lâu năm; chuồng trại chăn nuôi được xây dựng xa nhà ở...Cảm nhận rõ không khí trong lành của vùng quê nông thôn mới nơi đây. Điều ghi nhận là người dân bản Văng Lùng đã có ý thức trong việc thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, góp phần bảo vệ tốt môi trường sống.

 

Nhân dân bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu) bỏ vỏ chai thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa.

 

Bản Văng Lùng có 65 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Đời sống của bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó 80% diện tích đất sản xuất được trồng cây xoài Đài Loan và cây nhãn chín muộn. Do vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất là không tránh khỏi. Anh Hà Văn Hòa, Bí thư Chi bộ bản Văng Lùng kể: Để người dân thực hiện nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Chi bộ đã chỉ đạo Ban Quản lý bản mời cán bộ chuyên môn của xã, của huyện về hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc trong suốt quá trình sản xuất. Vì vậy, dù phải trải qua quy trình kiểm định chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt của các cơ quan chuyên môn Trung ương, nhưng năm 2017, số lượng xoài được tuyển chọn để xuất khẩu sang Australia chủ yếu là của bản Văng Lùng. Song, điều đáng nói là, trước đây, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bà con vứt bừa bãi tại nương, vườn cây, trên dòng suối...Tuy chưa rà soát hay thống kê về ảnh hưởng của việc này, nhưng đã có trường hợp trâu, bò của bản bị chết sau khi uống nước tại vũng nước, rãnh nước trong vườn cây ăn quả mà người dân vứt vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng xuống. Anh Hòa phấn khởi: Bây giờ, tình trạng này không còn xảy ra nữa, tất cả vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được thu gom và xử lý đúng quy định.

Câu chuyện về thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được bà con bản Văng Lùng quan tâm khi chính tài sản của gia đình có nguy cơ bị thiệt hại. Trước thực tế có gia súc chết sau khi uống nước có chứa thuốc bảo vệ thực vật, Ban Quản lý bản đã tổ chức họp nhân dân trong toàn bản để bàn bạc hướng giải quyết. Theo đó, bà con thống nhất đóng góp tiền, công lao động xây bể thu gom và xử lý vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Sau đó, Hợp tác xã Hoa quả sạch Chiềng Hặc đã tham mưu với Ban Quản lý bản đề nghị với UBND huyện Yên Châu cấp bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho bản theo chương trình phối hợp giữa Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 1 và tổ chức Croplife (tổ chức phi chính phủ). Do vậy, tháng 11 vừa qua, bản Văng Lùng đã được cấp 20 bể để thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Chúng tôi đi thăm các nương, bãi, các vườn trồng xoài, nhãn của bản Văng Lùng. Trên đường đi, trong khu vực trồng cây ăn quả, chúng tôi nhận thấy cứ khoảng vài trăm m lại có một chiếc bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đặt bên lề đường, cạnh các vườn cây; quan sát các vườn cây đều không thấy vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Bí thư chi bộ bản Hà Văn Hòa chia sẻ: Sau khi được huyện cấp 20 bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, Ban Quản lý bản căn cứ vào diện tích các khu vực trồng cây ăn quả để phân chia đặt bể tại các nương, vườn một cách hợp lý. Các bể đều được chôn dưới đất sâu khoảng 10-20 cm tại những vị trí dễ nhìn, thuận tiện trong việc thu gom vỏ chai thuốc. Qua kiểm tra của Ban Quản lý bản, từ khi có bể đựng rác không còn tình trạng vỏ chai thuốc vứt bữa bãi nữa, sau khi sử dụng, các hộ gia đình đã tự giác mang bỏ vào bể để xử lý đúng quy định.

Tại vườn xoài khá rộng, các cây xoài vài năm tuổi được trồng theo hàng, thuận lợi cho việc chăm sóc cũng như thu hoạch sản phẩm, anh Hà Duy Bình, chủ vườn nói: Từ khi có bể thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, gia đình tôi thực hiện nghiêm quy định của bản. Sau khi phun thuốc phòng bệnh cho cây, tôi cho vỏ chai vào túi ni lông và bỏ vào bể. Không riêng gia đình tôi mà bà con trong bản đều nhận thức rõ những tác hại của việc vứt bừa bãi vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, gây nên những thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, các gia đình trong bản bảo nhau thực hiện đúng quy định thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Sản xuất nông nghiệp càng phát triển, càng đòi hỏi việc gắn phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường. Việc tổ chức thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng của bản Văng Lùng đã thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới