Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Vì vậy, xây dựng, củng cố tổ chức đảng và hệ thống chính trị từ cơ sở là công việc phải làm thường xuyên, liên tục.
Ngay sau Đại hội XV Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21/1/2021 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn, gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở”. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
“Chắc bền từ gốc”
Công tác xây dựng và chỉnh đốn luôn được Đảng đặc biệt quan tâm, có sự nhất quán trong kế thừa và phát triển đường lối, chủ trương phù hợp với mỗi giai đoạn, thời kỳ, đặc biệt là trong những nhiệm kỳ gần đây. Ở tỉnh miền núi như Sơn La, việc phát triển đảng viên rất khó khăn, chính vì thế, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03 về phát triển đảng viên, xóa bản, trường học, trạm y tế trắng đảng viên và xóa bản trắng chi bộ đảng.
Tại huyện biên giới Sốp Cộp, khi mới thành lập Đảng bộ huyện (tháng 12/2003) mới có 8 đảng bộ xã, 1 chi bộ cơ sở; có 82 chi bộ trực thuộc, trên 1.000 đảng viên. Còn 8 trạm y tế chưa có chi bộ; 10 bản và 1 trạm y tế chưa có đảng viên. Quyết tâm chính trị cao về xóa bản “trắng” đảng viên, đến năm 2015, huyện đã kết nạp 1.922 đảng viên, thành lập 49 chi bộ bản, 19 chi bộ trường học và 8 chi bộ trạm y tế. Tuy nhiên, Đảng bộ huyện vẫn còn 45 chi bộ có dưới 9 đảng viên, 6 chi bộ dưới 5 đảng viên, tập trung những bản vùng cao, vùng biên giới... Đặc biệt, bản Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh và bản Nặm Khún, xã Mường Lèo thành lập mới, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh hoạt đạo, chưa có đảng viên.
Đồng chí Quàng Văn Tiêu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sốp Cộp, cho biết: Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện xác định chỉ tiêu kết nạp từ 580-600 đảng viên mới, phấn đấu 100% số bản có chi bộ độc lập. Nguồn giới thiệu kết nạp Đảng là trưởng bản, công an viên, trưởng các đoàn thể, dân quân tự vệ, dự bị động viên đủ tiêu chuẩn, thực sự gương mẫu, tiêu biểu trong lao động, sản xuất...; phát huy vai trò cán bộ Bộ đội Biên phòng tham gia cấp ủy tại các xã biên giới...
Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Sốp Cộp xem xét kết nạp 746 đảng viên, đạt 124,3% chỉ tiêu nghị quyết đại hội. Trong đó, kết nạp 3 quần chúng ở 2 bản chưa có đảng viên; 6 quần chúng ở 4 bản có đồng bào sinh hoạt đạo; từ lực lượng dân quân 59 quần chúng, trong dự bị động viên 20 quần chúng và ở chi bộ ít đảng viên là 85 quần chúng; thành lập 2 chi bộ bản; 100% bản có chi bộ độc lập, có đảng viên là người sở tại. Cùng với xóa bản “trắng” đảng viên, Huyện ủy Sốp Cộp xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị các bản, tránh nguy cơ tái “trắng” đảng viên, tái “trắng” chi bộ bản.
Chuyển mạnh từ “lượng” sang “chất”
Tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở; sự vững mạnh của tổ chức cơ sở đảng là điều kiện đảm bảo sự vững mạnh của toàn Đảng.
Đồng chí Lê Hồng Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ năm 2016 đến tháng 6/2020, toàn tỉnh kết nạp 1.142 đảng viên ở bản đặc biệt khó khăn, các trường học và các trạm y tế. Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh còn 47 cơ sở chưa có chi bộ, 4 cơ sở chưa có đảng viên, nhưng đến năm 2020, 100% số bản, tiểu khu, tổ dân phố đều có đảng viên, có chi bộ. Đây là dấu mốc quan trọng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng chuyển từ “lượng” sang “chất”.
Thực hiện Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, Ban Tổ chức Tỉnh ủy được giao là cơ quan thường trực đã chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở”.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn (cấp xã) gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở; tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của đảng bộ cấp xã, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh toàn diện. Chăm lo, xây dựng đội ngũ bí thư cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mục tiêu năm 2025, có 50% trở lên số Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn không phải là người địa phương; 100% số cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn trở lên; trên 90% số chi bộ bản, tiểu khu, tổ dân phố có chi ủy. Hằng năm, có từ 90% số đảng bộ cấp xã “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, không có đảng bộ “không hoàn thành nhiệm vụ”, có từ 85% đảng viên “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; có ít nhất 5 tổ chức đảng trong doanh nghiệp, HTX được thành lập.
“Phẫu thuật” và “Giám sát” thực hiện
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 02-NQ/TU, đến với các cơ sở, điều nhận thấy khi nhắc đến nghị quyết, nhiều đồng chí Bí thư Đảng bộ xã, thị trấn có chung nhận xét: Nghị quyết như một cuộc “phẫu thuật” những tồn tại, hạn chế và “giám sát” việc khắc phục.
Có 5 khóa giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã và được luân chuyển từ xã Chiềng En sang xã Bó Sinh, huyện Sông Mã, đồng chí Hà Văn Thuông, Bí thư Đảng ủy xã Bó Sinh, nói: Từ khi có nghị quyết của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở, Đảng bộ xã xác định đây là việc cấp thiết, bắt tay ngay vào “phẫu thuật” những hạn chế yếu kém, như việc định hướng nội dung sinh hoạt của cấp ủy cơ sở đối với chi bộ chưa thường xuyên, nên một số chi bộ sinh hoạt chiếu lệ, nội dung nghèo, không phát huy vai trò tiên phong đảng viên...
Khắc phục những hạn chế, Đảng bộ xã Bó Sinh duy trì nghiêm việc họp Ban Chấp hành định kỳ và đột xuất, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nảy sinh ở cơ sở. Ban Thường vụ Đảng ủy xã tổ chức buổi sinh hoạt chi bộ điểm, xây dựng nội dung họp chi ủy, lựa chọn khâu đột phá, đem ra bàn bạc tại cuộc sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Mời chi ủy chi bộ các bản tham dự, lần lượt thực hành điều hành. Từ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ nâng lên. Đảng bộ xã có 15 chi bộ, hằng năm 100% chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có chi bộ yếu kém.
Đồng chí Vừ A Cở, Bí thư chi bộ bản Huổi Tính, chia sẻ: Sau khi dự sinh hoạt điểm, giờ đây, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ quy củ. Hằng tháng, chi bộ lựa chọn việc trồng cây ăn quả, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới... tập trung chỉ đạo, thực hiện.
Việc thẳng thắn chỉ ra các tồn tại được các tổ chức đảng nghiêm túc thực hiện, từ đó, mỗi chi bộ đảng từ cơ sở đến đảng bộ huyện đều đặt ra các mục tiêu sát với nhiệm vụ. Điển hình, huyện ủy Sông Mã ban hành kế hoạch phát triển đảng viên ở chi bộ bản có ít đảng viên thiếu bền vững, chi bộ bản chưa có chi ủy giai đoạn 2020-2025. Huyện ủy Mường La ban hành văn bản chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng chi bộ có ban chi ủy; bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu. Huyện ủy Thuận Châu phân công Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách các chi, đảng bộ cơ sở... Huyện ủy Mai Sơn ban hành quyết định phân công 49 chi bộ, đảng bộ cơ sở, cơ quan, đơn vị giúp đỡ 123 bản đặc biệt khó khăn của huyện về củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế...
Điểm nhấn thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở” (Ban Chỉ đạo 32). Sau đó, Ban Chỉ đạo ban hành quyết định về giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU đối với Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy. Thành lập 6 đoàn giám sát do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng các ban đảng Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Sau giám sát, ban hành 12 thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo về kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ 12 huyện, thành phố về việc khắc phục những tồn tại hạn chế.
Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế sau kết luận giám sát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU. Chỉ đạo đảng ủy các xã, phường, thị trấn thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát; rà soát bổ sung vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm và toàn khóa 2020-2025 về việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU.
Trong 3 năm, cấp huyện, cấp xã kiểm tra 554 cuộc, giám sát 547 cuộc. Qua đó, giúp các tổ chức đảng, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa, khuyết điểm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ngăn ngừa sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở Đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Kết quả xếp loại đảng bộ xã, phường, thị trấn và đảng viên đều vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra: Năm 2021, có 90,19% đảng bộ cấp xã “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; năm 2022, có 91,66% đảng bộ cấp xã “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên. Riêng năm 2023, có 14,7% đảng bộ cấp xã “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; 75% đảng bộ “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Nghị quyết số 02-NQ/TU được triển khai, tác động lớn đến tư tưởng chính trị, đạo đức của cán bộ, đảng viên, tác động tích cực công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, gắn với nhiệm vụ chính trị của các Đảng bộ xã, thị trấn.
(Còn nữa)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!