Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Tin dân, trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân

Để đất nước cất cánh trong Kỷ nguyên mới, Đảng ta đã có những quyết sách hết sức quan trọng với tầm nhìn chiến lược, trong đó có chủ trương sắp xếp hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025. Đây là mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính kiến tạo vì nhân dân phục vụ.

Giọng nữ
Giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Chiềng Sinh.                  Ảnh: Nguyễn Yến

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ sắp xếp về tổ chức bộ máy, cán bộ, mà còn bố trí lại đơn vị hành chính, phân cấp về thẩm quyền; tiết kiệm được ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng và phân bổ về nguồn lực; tạo không gian phát triển với mục tiêu là xây dựng chính quyền kiến tạo gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, mở ra một cục diện mới trong không gian phát triển đất nước ổn định, toàn diện và bền vững. Chủ trương trên thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân và đồng tình ủng hộ mạnh mẽ, với tỷ lệ trên 96% ý kiến đồng thuận.

Trong thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chính quyền cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu) có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, là cấp chính quyền, gần dân, sát dân, chịu trách nhiệm trực tiếp trước đời sống của nhân dân, là “cầu nối” trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ cần thiết với yêu cầu cao hơn và toàn diện hơn trong phục vụ nhân dân, góp phần đổi mới cơ chế quản lý, phân cấp mạnh mẽ cho cấp cơ sở, nơi trực tiếp tiếp xúc và xử lý công việc với người dân và doanh nghiệp, giảm bớt khâu trung gian, rút ngắn thủ tục, giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, chính quyền cơ sở là cấp trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, với chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, bảo đảm thi hành pháp luật và cung cấp dịch vụ công thiết yếu, hướng đến sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Với việc mở rộng phạm vi địa giới, phạm vi hoạt động, tăng thêm quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, giúp tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm trong thực thi công vụ, phát huy tính chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ phục vụ đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Có thể khẳng định, chính quyền cấp cơ sở đóng vai trò nền tảng và then chốt trong hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình, sẽ phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào quản lý nhà nước ở địa phương thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Việc xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả có ý nghĩa quyết định đến sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn cơ sở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Nhà nước và nhân dân theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”; “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...”; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”...

Xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở, cần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh, năng lực, trình độ, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường xây dựng và phát triển chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động đi đôi với việc nâng cao cơ sở vật chất và điều kiện làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, tiện nghi, thân thiện; phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền cơ sở...

Cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ trong chính quyền cơ sở cần chú trọng thực hiện tốt phương châm “Tin dân, trọng dân, hiểu dân, gần dân và có trách nhiệm với dân”. Trong mọi hoạt động của chính quyền cấp cơ sở phải luôn đặt nhân dân vào vị trí trung tâm, nhân dân là chủ thể của mọi hoạt động và mục tiêu hướng tới. Luôn tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu nắm bắt kịp thời ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, quy định về chế độ đối thoại của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu đối với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Kịp thời giải quyết dứt điểm, triệt để, đúng quy định của pháp luật các ý kiến phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân, tổ chức, kiên quyết không để tồn đọng, kéo dài, dẫn tới phát sinh khiếu kiện vượt cấp...

Nâng cao chất lượng, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ, chú trọng rèn luyện đạo đức công vụ và tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở; xây dựng văn hóa công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc của bộ máy và đội ngũ cán bộ. Kiên quyết loại trừ, đấu tranh với các biểu hiện quan cách, quan liêu, mệnh lệnh, chủ nghĩa cá nhân; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ”; các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, mất uy tín với nhân dân. Luôn lấy nhân dân là trung tâm, là chủ thể của mọi hành động cách mạng...

Nguyễn Duy Lương (CTV)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới