Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025, Ban Dân vận Huyện ủy Sông Mã đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện từng cơ quan, đơn vị, địa bàn và đối tượng. Với sự nỗ lực vươn lên không ngừng, bộ mặt nông thôn mới huyện vùng biên Sông Mã ngày càng khởi sắc.
Những mô hình tiêu biểu ở nông thôn
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho nhân dân; xây dựng các mô hình điểm. Đến nay, toàn huyện có 47 mô hình dân vận khéo lĩnh vực phát triển kinh tế.
Về Sông Mã bây giờ, điều dễ nhận thấy là, màu xanh bạt ngàn của cây ăn quả. Thời điểm này, nông dân đang tập trung thu hoạch và chế biến long nhãn; chăm sóc vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Trong các mô hình phát triển kinh tế, có mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của gia đình anh Quàng Văn Diên, bản Tre, xã Chiềng Cang. Năm 2015, anh Diên chuyển hơn 3 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng nhãn, xoài. Anh vận động các hộ dân trong bản dồn điền đổi thửa để thuận lợi cho sản xuất. Đến nay, gia đình anh có 10 ha nhãn, cam, xoài; trừ chi phí thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây nhãn ghép cho 19 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn; vận chuyển 10.000 giống cây cam Vinh từ tỉnh Hưng Yên cho nhân dân trong bản trồng. Hiện nay, 80% số hộ dân trong bản đã học và làm theo mô hình kinh tế của gia đình anh.
Giai đoạn 2015-2020, mô hình kinh tế của anh Diên được chọn là mô hình dân vận khéo cấp huyện; từ năm 2021 đến nay, được chọn là mô hình cấp tỉnh, đã được nhiều hộ trên địa bàn áp dụng làm theo. Qua đó, góp phần cùng toàn huyện có trên 10.500 ha cây ăn quả, trong đó, hơn 452 ha nhãn được cấp 48 mã số vùng trồng; 48/71 HTX, công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP, với trên 900 ha; 86 ha nhãn sản xuất theo hướng hữu cơ; nâng giá trị sản xuất bình quân đạt 65 triệu đồng/ha.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đến năm 2025, phấn đấu có trên 11.000 ha cây ăn quả, sản lượng 80.000 tấn. Trong đó, 1.000 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; 1.000 cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ và 1.000 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP; 300-500 ha nhãn sản xuất trái vụ; 20-25 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến long nhãn, xoài sấy dẻo... Hiện thực hóa mục tiêu, ngoài việc duy trì và nhân rộng các mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế, huyện tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao. Sử dụng giống có năng suất cao và chất lượng tốt, quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, trình diễn, chuyển giao các mô hình sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tiêu thụ hơn 83.000 tấn nông sản, trong đó, tiêu thụ trong nước 55.475 tấn, chế biến hơn 24.000 tấn và xuất khẩu 3.600 tấn; tổng giá trị trên 1.446 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo vườn tạp, định hướng cây trồng, dự báo thị trường để xác định hướng đi trong tiêu thụ sản phẩm. Xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nhân dân trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với mô hình về phát triển kinh tế xóa nghèo bền vững, mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cũng là một điểm sáng ở vùng nông thôn huyện Sông Mã. Trọng tâm của mô hình là bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan bản làng khang trang, sạch đẹp.
Bám sát nội dung cuộc vận động, Hội LHPN huyện đã rà soát, lựa chọn xây dựng mô hình điểm; tuyên truyền, vận động hội viên tham gia; giao chỉ tiêu thực hiện cho các cơ sở hội. Trong đó, tiêu biểu là mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”. Qua mô hình, giúp hội viên nâng cao nhận thức vì môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Đến nay, các cơ sở hội đã gắn 125 biển “Nhà sạch, vườn đẹp”; phấn đấu hết năm 2023 gắn thêm 200 biển “Nhà sạch vườn đẹp” cho gia đình hội viên.
Tại ngôi nhà 2 tầng, treo tấm biển “Nhà sạch, vườn đẹp” của gia đình chị Lò Thắm, bản Nà Nghịu, vừa được Hội LHPN xã Nà Nghịu gắn biển, gia chủ chia sẻ: Tham gia mô hình gia đình đã biết cách sắp xếp đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt trong nhà, trong bếp và công trình phụ ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ; phân loại rác thải và xây lò đốt rác mini. Ngoài giữ vệ sinh ở gia đình, hằng tuần tôi và các hội viên phụ nữ đều tham gia dọn vệ sinh tuyến đường nội bản.
Tiếp tục đến thăm bản Hưng Hà, xã Chiềng Khương. Thật ấn tượng với những ngôi nhà cao tầng khang trang, những tuyến đường bê tông liên bản thông thoáng, sạch đẹp. Đặc biệt, cả 9 tuyến đường nội bản đã được lắp bóng đèn năng lượng mặt trời. Đây là mô hình “Ánh sáng bản làng” được Hội CCB xã làm điểm để nhân rộng trên địa bàn. Anh Hà Thanh Minh, Chủ tịch CCB xã Chiềng Khương, tâm sự: Hội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các đoàn thể tuyên truyền nhân dân các bản và làm điểm ở bản Hưng Hà, Tân Lập, Thống Nhất, Đen, Mo, với 4 bóng/bản. Đến nay, xã có 71/216 tuyến đường đã lắp điện chiếu sáng, với 370 bóng đèn năng lượng mặt trời. Nếu so với sử dụng điện lưới, đèn năng lượng mặt trời chi phí cao hơn, nhưng chỉ đầu tư 1 lần, tuổi thọ khoảng 10 năm, nên tiết kiệm hơn nhiều.
Với sự chung sức, đồng lòng, từ năm 2022 đến nay, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện đã tổ chức dọn vệ sinh 5.597 km đường giao thông và 593 km cống rãnh; lắp 2.086 bóng đèn năng lượng mặt trời, kinh phí trên 4 tỷ đồng; trồng 21.650 cây phân tán; làm 1.792 nhà vệ sinh và di dời 2.999 chuồng chăn nuôi ra xa khu nhà ở; trồng 29.317 m hoa ven đường... góp phần tạo diện mạo nông thôn mới. Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM; 15 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí NTM; 2 xã đạt trên 10 tiêu chí NTM nâng cao.
Xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” thực chất
Đến nay, toàn huyện có 98 mô hình dân vận khéo, trong đó, 2 mô hình cấp tỉnh, 39 mô hình cấp huyện, 57 mô hình cấp cơ sở; 79 mô hình tập thể, 19 mô hình cá nhân. Các mô hình dân vận khéo được xây dựng thực chất, hiệu quả đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân được tăng cường.
Đồng chí Thào A Sử, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nhận định: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025 theo Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện đã đạt nhiều thành công trên các lĩnh vực: Năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 186,3 tỷ đồng, bằng 132% dự toán tỉnh giao; tỷ lệ hộ nghèo giảm 10,64% so với năm 2021; chỉ số cải cách hành chính đứng thứ nhất khối các huyện, thành phố của tỉnh; chế độ, chính sách của nhân dân được đảm bảo, hệ thống chính trị được củng cố, quốc phòng an ninh được giữ vững...; Đảng bộ huyện Sông Mã được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Xây dựng các mô hình dân vận khéo thực chất, bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU; gắn công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ”; mô hình “Dân vận khéo” với đẩy mạnh cải cách hành chính, mô hình “Chính quyền thân thiện”; tổ chức tham quan học tập nhận diện mô hình... Từ đó, tạo sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Với những cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình dân vận khéo trên địa bàn huyện Sông Mã đã và đang phát huy nội lực trong nhân dân, góp phần xây dựng huyện vùng biên ngày càng khởi sắc, đúng như lời Bác dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!