Gương mẫu, trách nhiệm với công việc, những người có uy tín trên địa bàn huyện Mai Sơn luôn phát huy vai trò là “nhịp cầu nối” gắn kết giữa Đảng với nhân dân; vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua, tích cực lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
Được nhân dân bầu là người có uy tín từ năm 2020, ông Lò Văn So, bản Ta Vắt, xã Phiêng Pằn, coi đó là vinh dự và trách nhiệm to lớn để đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Ông So chia sẻ: Bản Ta Vắt có hơn 170 hộ, trên 840 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Xinh Mun. Muốn “nói dân tin, làm dân theo”, thì người đảng viên phải đi trước, làm trước, làm hiệu quả để bà con làm theo. Từ năm 2017, sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số địa phương trong huyện, tôi chuyển đổi hơn 1 ha trồng cây kém hiệu quả sang trồng cam. Đến năm 2020, vườn cam cho thu quả, bán được gần 100 triệu đồng. Năm nay, vườn cam tiếp tục thu 15 tấn, giá bán 20-25.000 đồng/kg. Ngoài trồng cam, tôi trồng cỏ, dựng chuồng trại nuôi nhốt hơn chục con bò sinh sản. Mỗi năm, cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Từ hiệu quả từ mô hình trồng cam, ông So chia sẻ kinh nghiệm mua giống, nơi tiêu thụ, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho nhiều hộ dân. Hiện nay, xã Phiêng Pằn trồng 36 ha cam, bưởi các loại. Ông Lù A Dủa, Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Pằn, cho biết: Xã có 17 người có uy tín, đã giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con, nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với cộng đồng, xã hội. Nhờ đó, đời sống nhân dân trong xã ngày càng nâng cao, có điều kiện đóng góp công sức và vật chất tham gia xây dựng nông thôn mới.
Tại xã Chiềng Mai, bà Lò Thị Soi, với gần 20 năm được tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ, Trưởng bản Vựt Bon, bà luôn sâu sát cơ sở, đến từng nhà, gặp gỡ người dân lắng nghe tâm tư, tình cảm của bà con; tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huy động nhân dân hiến đất, tiền mặt và ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông nông thôn.
Đến nay, 100% tuyến đường nội bản Vựt Bon, dài 2,6km được bê tông hóa; nhân dân đồng lòng dịch tường rào, mở rộng nền mặt đường nội bản từ 3,5m lên 6m; xây dựng 450m đường điện “Ánh sáng làng quê”; làm sân thể thao bản; huy động được 320 triệu đồng hỗ trợ xóa nhà tạm cho 10 hộ khó khăn về nhà ở... Hiện, bản chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm 9,9% so với tổng số hộ; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm. Bản phấn đấu được công nhận bản nông thôn mới trong năm 2024.
Dân số của huyện Mai Sơn hiện nay đạt trên 172.000 người, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 71,9%. Toàn huyện có 240 người có uy tín, là những người tiêu biểu được lựa chọn từ các địa phương, cơ sở, giúp Đảng bộ, chính quyền triển khai hiệu quả những kế hoạch, nghị quyết; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước xã, bản, xây dựng bản, tiểu khu, gia đình văn hóa, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mai Sơn, cho biết: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm, huyện Mai Sơn tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tình hình kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có uy tín tham gia các hoạt động, phát huy tầm ảnh hưởng tích cực của mình trong cộng đồng.
Phát huy vai trò, chức trách được giao, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện Mai Sơn đã trở thành tấm gương sáng trong các phong trào thi đua ở cơ sở, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước, góp phần phát triển KT-XH, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!