Cách đây 66 năm, nhân dịp kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La. Ngày 8/5/1959, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu đã vinh dự được đón Bác về thăm. Lời dạy bảo ân cần và tấm lòng yêu thương vô hạn của Người trong lần về thăm ấy đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên với mỗi người dân Yên Châu.

Khắc ghi lời Bác dặn
Là người vinh dự được đứng bảo vệ Bác Hồ tại sân bản Khoóng, xã Chiềng An (nay là tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu) vào năm 1959, ông Quàng Văn Mủa, ở bản Mệt Sai, xã Sặp Vạt, dù đã bước sang tuổi 90, nhưng những hồi ức về lần gặp Bác Hồ vẫn in đậm trong tâm trí. Đối với ông, được gặp Bác, được tham gia bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Người là niềm vinh dự, tự hào nhất trong cuộc đời của ông.
Trong căn nhà sàn, những bằng khen, danh hiệu cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang… được ông Mủa treo ở những vị trí trang trọng, lưu giữ cẩn thận. Vừa tròn 18 tuổi, ông Mủa đã tham gia vào dân quân trực chiến của xã để cùng với bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hồi tưởng lại ký ức được gặp Bác, ông Mủa xúc động kể: Tối 7/5/1959, tôi cùng các đồng chí trong trung đội nhận được thông báo sáng ngày mai sẽ có đoàn khách cấp cao tới thăm nên phải chuẩn bị đến sớm để bảo vệ. Ai cũng tò mò, suốt đêm thao thức không ngủ được để chuẩn bị quân tư trang. Ngày hôm sau, tôi được phân công đứng cách bậc thang lên sân khấu chừng 2 mét. Thế rồi khoảng 8 giờ, đoàn xe của đoàn khách cấp cao tới, ngay lúc đó tiếng một cán bộ hô lên “Hồ Chủ tịch muôn năm” và tất cả nhân dân cũng đồng thanh hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Lúc bấy giờ, chúng tôi mới biết Bác Hồ đến thăm.
Ông Mủa nhớ lại: Bác mỉm cười, rồi vẫy tay chào mọi người. Tôi hết sức bất ngờ khi Bác quay sang, vỗ vai, rồi bắt tay tôi, nhắn nhủ “Chú bộ đội cố gắng nhé”. Tôi xúc động trào nước mắt mà không nói được lời nào.
Được gặp Bác Hồ không chỉ là niềm vinh dự, hạnh phúc của ông Mủa mà là tâm trạng chung của hàng ngàn đồng bào các dân tộc Yên Châu lúc bấy giờ. Bác bình dị, gần gũi, không hề có khoảng cách giữa một vị lãnh tụ của đất nước với nhân dân. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc huyện. Bác nói, Đảng, Chính phủ rất khen ngợi đồng bào Yên Châu trong kháng chiến đã tổ chức du kích đánh Tây rất tốt, giúp bộ đội, cán bộ đánh Tây, giải phóng Điện Biên. Đặc biệt, đồng bào vùng cao sinh hoạt gian khổ nhưng trong kháng chiến rất anh dũng. Bác dặn: Hòa bình lập lại, đồng bào, cán bộ, bộ đội đoàn kết, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất. Tất cả các dân tộc đều là anh em ruột thịt một nhà. Cán bộ, bộ đội, nhân dân phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay... Những lời dặn dò và chỉ bảo ân cần của Người là nguồn cổ vũ lớn lao, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện vượt qua khó khăn, vững bước đi lên.

Động lực xây dựng quê hương
Đồng chí Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu, chia sẻ: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện luôn khắc ghi lời dạy của Bác về đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng đổi mới; tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, ra sức thi đua, xóa đói, giảm nghèo; giữ vững an ninh chính trị từ vùng thấp, đến vùng cao. Phong trào học và làm theo Bác đã lan tỏa trên mọi lĩnh vực.
Nổi bật là trong lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, nhân dân trong huyện tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế phát triển, hình thành vùng trồng cây ăn quả công nghệ cao tập trung gắn với xây dựng vùng trồng an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, như: mô hình xoài ghép, chuối cấy mô ở các xã dọc quốc lộ 6; nhãn, mận hậu tại xã Lóng Phiêng, Phiêng Khoài, Tú Nang, Chiềng Hặc; chè, mía ở Yên Sơn, Chiềng Sàng... với tổng diện tích trên 12.150 ha. Các sản phẩm nông sản đảm bảo các điều kiện tiêu thụ và xuất khẩu. Cùng với đó, huyện tích cực khuyến khích nhân dân liên kết tham gia thành lập 70 HTX hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò trong tập hợp nhân dân, phát triển sản xuất.
Nâng cao đời sống nhân dân, huyện quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng với nhiều dự án được triển khai thực hiện, như: Dự án kè suối Vạt, các tuyến đường Chiềng Khoi - Phiêng Khoài, Mường Lựm (Yên Châu) - Tân Lập (Mộc Châu); các hồ thủy lợi, trụ sở làm việc các xã, trạm y tế, trường lớp học được kiên cố hóa... Huyện hoàn thành việc xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4%/năm. Đến nay, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; gần 1.500 nông dân danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Khắc ghi lời Bác dạy, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Yên Sơn đoàn kết, đồng lòng trong xây dựng kinh tế, hạ tầng nông thôn, xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024. Đồng chí Vì Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Xã lựa chọn xây dựng nông thôn mới là nội dung đột phá trong học và làm theo Bác. Thời gian qua, xã đã huy động trên 76 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng, cùng hàng nghìn ngày công lao động, hiến đất, hiến cây cối, tài sản để kiên cố hóa 29,6 km đường giao thông đến xã, trục chính nội bản và ngõ xóm; xây dựng các công trình chợ, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học…; chung tay hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 12%.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”, nông dân Yên Châu luôn nỗ lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm, hăng hái thi đua lao động sản xuất. Là một trong những gương sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, anh Nguyễn Văn Mạnh ở bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng, cho biết: Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, tôi đã mạnh dạn đưa giống nhãn nhãn Miền Thiết vào trồng, áp dụng kỹ thuật ghép mắt, cải tạo giống, sản xuất an toàn. Với 4 ha nhãn, gia đình thu 60 tấn quả/vụ, trừ chi phí, thu về 800 triệu đồng/năm. Với trách nhiệm Bí thư chi bộ, Trưởng bản, tôi đã vận động nhân dân mở rộng diện tích nhãn lên 400 ha, đóng góp gần 700 triệu đồng xây dựng hơn 2 km đường giao thông; 3,7 km đường nội đồng và đường vào khu sản xuất; dựng 300 cột điện thắp sáng dọc tuyến đường vào bản; ủng hộ 135 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa. Bà con ai cũng đồng thuận đóng góp, thi đua sản xuất, làm giàu, phấn đấu xây dựng bản đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tự hào được đón Bác về thăm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Châu mãi khắc ghi tình cảm và lời dạy của Người, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!