Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống thiên tai

Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2025 tiếp tục được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, với sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và cộng đồng, với quyết tâm giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân.

Giọng nữ
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Bắc Yên khảo sát khu vực có nguy cơ sạt lở đất tại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên.

Nhiều thiệt hại do thiên tai

Từ năm 2024 đến đầu năm 2025, Sơn La liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; nắng nóng, hạn hán, giông lốc, mưa đá trên diện rộng. Thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại các huyện Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Mộc Châu, Phù Yên, Vân Hồ, Sông Mã và thành phố Sơn La.

Năm 2024, thiên tai đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh: 14 người chết, 1 người mất tích, 13 người bị thương; hơn 12.800 ngôi nhà bị ảnh hưởng; trên 8.300 ha lúa, mạ, rau màu, cây ăn quả và cây lâu năm bị hư hại; hơn 18.700 con gia súc, gia cầm chết; trên 368 ha nuôi trồng thủy sản thiệt hại. Nhiều tuyến giao thông, hệ thống điện, 325 công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt, 109 điểm trường, 5 nhà văn hóa và 6 cơ sở y tế bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 1.045 tỷ đồng. Riêng đợt bão số 2 và hoàn lưu bão số 3 cuối tháng 7 đã làm 11 người chết, 6 người bị thương; 252 nhà phải di dời khẩn cấp, 117 nhà hư hỏng nặng, 935 nhà bị ngập nước.

Dự báo năm 2025, thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp. Nắng nóng duy trì ở mức cao nhưng khó vượt kỷ lục năm 2024. Biển Đông có thể xuất hiện 11-13 cơn bão, trong đó 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; nguy cơ có bão mạnh từ cấp 12 trở lên vẫn cao. Ngay từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 4 đợt không khí lạnh kéo dài, 1 đợt nắng nóng và 4 trận giông lốc, sét kèm mưa đá làm 6 người thương vong; 307 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng; trên 200 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 4 tỷ đồng. 

Nâng cao năng lực cộng đồng

Chủ động ứng phó thiên tai năm 2025, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp trong tỉnh đã được kiện toàn, duy trì hoạt động hiệu quả, phân công rõ nhiệm vụ và trách nhiệm từng thành viên. Tổ chức bộ máy được củng cố, đồng thời xây dựng kế hoạch thu - chi Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định tại Nghị định 63/2025/NĐ-CP. UBND tỉnh cũng đã ban hành phương án ứng phó thiên tai nhằm đảm bảo chủ động, kịp thời đối phó với mọi tình huống, giảm thiệt hại về người, tài sản và sản xuất; nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, cho biết: Ban Chỉ huy các cấp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành. Thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai được truyền tải bằng hình ảnh minh họa trực quan, giúp người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dễ hiểu và nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của thiên tai, giúp người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, hỗ trợ nhân dân di chuyển tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất năm 2024.

Công tác tuyên truyền phòng chống thiên tai tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức như: Phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam; mở chuyên trang, chuyên mục trên Báo Sơn La; hệ thống phát thanh của xã, bản. Trang Facebook, Zalo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN được duy trì, thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo và hướng dẫn kỹ năng phòng tránh thiên tai. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng đầu tư, trang bị thêm thiết bị chuyên dùng từ ngân sách và vận động hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân.

Năm 2025, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc tiếp tục vận hành hiệu quả 114 trạm quan trắc thuộc quyền quản lý, cùng 45 trạm đo mưa tự động và 5 trạm thủ công đo mực nước, cảnh báo lũ do Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh thuê bao. Đơn vị thực hiện nghiêm quy trình dự báo, theo dõi sát diễn biến thời tiết, kịp thời cảnh báo các hiện tượng nguy hiểm với thời gian dự báo trước từ 24-48 giờ, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai của các địa phương. Các bản tin được phát đầy đủ, kịp thời trên sóng phát thanh, truyền hình và gửi đến Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, các địa phương để phục vụ chỉ đạo ứng phó.

Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, cho biết: Huyện luôn xác định nâng cao năng lực phòng chống thiên tai trong cộng đồng là yếu tố quan trọng để giảm thiểu thiệt hại. Vì vậy, huyện tích cực triển khai Kế hoạch của tỉnh về Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2021–2025, nhằm tăng cường khả năng ứng phó ngay từ cơ sở.

Lãnh đạo huyện Phù Yên kiểm tra tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất.

Linh hoạt thực hiện “4 tại chỗ”

 Các địa phương áp dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ", phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ dân và từng vùng. Đồng thời, phát huy vai trò của lực lượng xung kích cơ sở và kinh nghiệm của trưởng thôn, bản để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là ở những nơi dễ bị chia cắt. Ngoài ra, các xã cũng được yêu cầu củng cố, nâng cao năng lực đội xung kích phòng chống thiên tai theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 9/7/2021.

Trao đổi về công tác này, bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, chia sẻ: Trong phương án phòng, chống thiên tai, các nhà văn hóa tổ, bản, tiểu khu, trụ sở các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tiếp tục được bố trí sắp xếp làm nơi sơ tán dân khi có thiên tai xảy ra. Chúng tôi chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn, khuyến khích người dân phát huy tính chủ động trong ứng phó, phát hiện nguy cơ và kịp thời di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Đồng thời, phát huy vai trò của đội xung kích phòng chống thiên tai các xã, chủ động tham gia các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả ngay khi có tình huống thiên tai.

UBND xã Mường Thải, huyện Phù Yên, kiểm tra tiến độ xây dựng nhà ở tại điểm tái định cư Khoai Lang 2.

Đến thời điểm này, các địa phương đã và đang tích cực, chủ động huy động nguồn lực, mua sắm các trang, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ, triển khai tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó, xử lý sự cố cho lực lượng tại chỗ. Tổ chức hướng dẫn kịp thời các giải pháp cụ thể, phù hợp trước mắt và lâu dài đối với từng khu vực, từng đối tượng thiệt hại, trong đó ưu tiên phục hồi sản xuất nông nghiệp và công trình phòng, chống thiên tai theo hướng xây dựng lại tốt hơn để phát triển bền vững…

Đối với các hệ thống thủy lợi, từ trước mùa mưa lũ, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn tiến hành kiểm tra hiện trạng an toàn đập, hồ chứa; xây dựng các phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Thực hiện quy trình vận hành hồ chứa đúng quy định. Sẵn sàng nhân lực, thiết bị, vật tư… để ứng phó với các tình huống mất an toàn của đập theo phương án đã được phê duyệt.

Mùa mưa lũ năm nay đã đến, các địa phương trong toàn tỉnh chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp, phấn đấu giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

 

Bài, ảnh: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới