Thuận Châu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Ứng phó trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, những năm qua, huyện Thuận Châu đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong ứng phó,  giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Mô hình canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã Bon Phặng. 

Ông Tạ Đăng Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thuận Châu, cho biết: Hàng năm, UBND huyện phối hợp triển khai các nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh; triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tăng cường hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện cho các xã và các đơn vị chức năng, nhằm nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức di chuyển khẩn cấp các hộ nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; kiểm tra, đánh giá và xử lý các hạng mục hư hỏng, nâng cấp công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Củng cố mạng lưới, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, duy trì trực 24h/24h kịp thời chỉ đạo khắc phục, xử lý trong mọi tình huống.

Từ năm 2021 đến nay, huyện tổ chức 3 cuộc huấn luyện, diễn tập, luyện tập phòng chống thiên tai, phòng cháy chữa cháy rừng tại các xã: Co Mạ, É Tòng, Tông Lạnh; tổ chức diễn tập ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, kết quả đều đạt loại giỏi. Qua đó, nâng cao khả năng chỉ huy, điều hành kỹ năng ứng phó sự cố thiên tai với phương châm “chủ động phòng tránh, tích cực ứng phó, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phòng chống thiên tai, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản.

Sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của biến đổi khí hậu, huyện đã vận động người dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, như: GAP, nông nghiệp hữu cơ, IPM, canh tác trên đất dốc; hỗ trợ, khuyến khích chăn nuôi tập trung và xử lý thu gom chất thải trong chăn nuôi; trồng các giống cây, loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn, sạt lở đất; nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước cho các vùng sản xuất cà phê, cây ăn quả.

Thực hiện hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu, huyện Thuận Châu được hỗ trợ triển khai một số dự án đem lại hiệu quả cao. Điển hình, Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc” tại Sơn La giai đoạn 2021-2023 được tài trợ bởi Tổ chức Bánh mì thế giới, do Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện tại xã Bon Phặng, Muổi Nọi, Nậm Lầu, Chiềng Pha; Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu Tây Bắc Việt Nam (VOF)” do Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch châu Á (ADDA) tài trợ triển khai tại bản Phé A, xã Tông Cọ. Các dự án từng bước giúp nông dân các xã nhận thức về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ chính tập quán canh tác nông nghiệp, giúp người dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Bà Lò Thị Tâm, bản Biên, xã Nậm Lầu tham gia thực hiện mô hình canh tác khoai sọ thích ứng với biến đổi khí hậu, do SRD phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức. Bà Tâm chia sẻ: Tham gia dự án, tôi được hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn thực hành, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăm bón đúng quy trình, tiết kiệm vật tư nông nghiệp, phân bón và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhờ đó chất lượng khoai sọ được cải thiện. Với 8.000 m² đất trồng khoai sọ, năm 2022, gia đình thu lãi khoảng 80 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện Thuận Châu đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững; chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai. Chấn chỉnh công tác bảo vệ, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý môi trường, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới