Với Thiếu tá Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chiềng On, huyện Yên Châu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” không còn là khẩu hiệu mà là niềm tin, điểm tựa, trách nhiệm của người lính biên phòng trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Ngoài công việc, anh còn là người “gieo hạt” cho mô hình “Ươm mầm xanh biên giới, vững bước tới tương lai”, đỡ đầu học sinh nghèo vùng biên, thắp lên ước mơ đến trường.
-nhan-giai-thuong-vu-a-dinh-do-trung-uong-doan-va-quy-vu-a-dinh-to-chuc-nam-2023_.jpg)
Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trăn trở những con chữ còn dang dở
Từng công tác nhiều năm tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, thị xã Mộc Châu, Thiếu tá Cầm Bá Thành thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của bà con nơi đây. Không ít em nhỏ sinh ra trong gia đình có bố mẹ nghiện ma túy, bị tù tội hoặc mồ côi cả cha mẹ, phải từ bỏ giấc mơ con chữ. Những hoàn cảnh ấy, đã thôi thúc Thiếu tá Thành ấp ủ mô hình hỗ trợ học sinh nghèo nơi biên giới được đến trường, được nuôi dưỡng, ươm mầm ước mơ, kiến tạo tương lai.
Anh Thành, chia sẻ: Ngày 25/6/2021, tôi tham mưu với Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, phối hợp với Quỹ Khai trí (Tập đoàn Apec), triển khai Mô hình “Ươm mầm xanh biên giới - Vững bước tới tương lai”. Mô hình hướng đến việc đỡ đầu học sinh dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi, từ lớp 8 trở lên cho đến khi các em học đại học, cao đẳng, học nghề và tìm kiếm việc làm ổn định. Mục tiêu giúp các em được học hành, trở thành công dân có ích, góp phần xây dựng quê hương bản làng ngày càng phát triển.
Ngay sau khi xây dựng mô hình, anh Thành phối hợp với các đơn vị trường học, chính quyền địa phương rà soát, lựa chọn, lập hồ sơ đỡ đầu 25 học sinh. Anh cùng đồng đội trực tiếp đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, ký cam kết giữa các bên, hướng dẫn phụ huynh sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ. Không dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính, anh còn vận động thêm các nguồn lực xã hội hóa mua tặng xe đạp, sách vở, dụng cụ học tập, quần áo... đảm bảo các em đủ điều kiện học tập tốt nhất. Thậm chí, từ nguồn tăng gia sản xuất của đơn vị, các em còn được hỗ trợ rau xanh, thịt, cá, cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Thiếu tá Thành còn lập nhóm zalo kết nối nhà trường, phụ huynh, đơn vị tài trợ, nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các em. Cùng với đó, theo dõi sát sao kết quả học tập, sinh hoạt của từng em trong năm học. Khi các em bước vào lớp 12, Thiếu tá Thành tổ chức khảo sát nguyện vọng, hỗ trợ đăng ký thi đại học, tìm kiếm học bổng hoặc liên hệ với các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp, tạo đầu ra việc làm.
Những con số biết nói
Sau 5 năm triển khai, mô hình mang lại những kết quả rõ nét, đầy cảm động. 25 học sinh được đỡ đầu, 9 em đã tốt nghiệp THPT và tìm được việc làm; còn 16 em còn đang được hỗ trợ, trong đó, 6 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, 1 em học tại Trường Hữu nghị T78 (Hà Nội), số còn lại đang học THCS, THPT tại các trường trên địa bàn huyện Mộc Châu.

Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tất cả các em đạt học lực từ khá trở lên, đạo đức tốt. Tổng giá trị hỗ trợ, trao tặng thiết bị, dụng cụ học tập... gần 700 triệu đồng. Đặc biệt, mô hình từ hai xã Lóng Sập, Chiềng Khừa thị xã Mộc Châu, đến nay đã nhân rộng ra địa bàn các xã biên giới của huyện Yên Châu. Riêng Đồn Biên phòng Chiềng On, nơi anh công tác hiện nay, có thêm 10 học sinh tiếp tục được đỡ đầu.
Không chỉ dừng lại ở mô hình “Ươm mầm xanh biên giới”, Thiếu tá Thành còn tham mưu triển khai Dự án “Kêu gọi các nguồn lực xóa bếp ăn, phòng học tạm cho học sinh biên giới”, trực tiếp kêu gọi xây dựng 10 phòng học, 5 bếp ăn, 3 sân chơi, 2 giếng nước sạch, 5 công trình “Thắp sáng vùng biên” cùng nhiều thiết bị học tập tại các điểm trường biên giới, tổng trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Anh cũng là hạt nhân kết nối, triển khai hiệu quả các chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, “Bữa sáng cho em”, dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”...
Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, chia sẻ: Phía sau những con số ấy, là trái tim đầy trách nhiệm với nhân dân, là hình ảnh người lính biên phòng luôn tâm niệm “Chỉ khi đồng bào nơi biên giới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì miền biên cương mới bình yên, lòng dân mới vững chắc”; những việc làm cụ thể của Thiếu tá Thành đã góp phần xây dựng “Thế trận lòng dân”, “Cột mốc lòng dân” vững chắc nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Câu chuyện về Thiếu tá Cầm Bá Thành và mô hình “Ươm mầm xanh biên giới” - là minh chứng sống động cho phẩm chất cao đẹp của người lính mang quân hàm xanh, luôn gắn bó, dốc lòng vì nhân dân. Họ chính là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho nhân dân, để biên cương không chỉ là vành đai quốc phòng, còn là vùng đất tràn đầy hy vọng và tương lai tươi sáng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!