Tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La mưa lớn làm ngập úng nhiều vùng, ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ngành Y tế đang tập trung rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị thiên tai để đề ra biện pháp ứng phó, nhất là đảm bảo vệ sinh môi trường và nước sạch sinh hoạt.

Giọng nữ
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn.
Ảnh: Mạnh Thắng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tại thành phố Sơn La, mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng, đến thời điểm hiện tại có 3 bản thuộc các xã: Chiềng Đen, Chiềng Xôm và phường Chiềng An vẫn bị ngập nặng. Qua giám sát, Trung tâm Y tế Thành phố đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh ngoài da, như: Viêm da, dị ứng… Trung tâm đã phối hợp với Bệnh viện Phong và Da liễu khám và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Từ chiều 25/6, Trung tâm cử cán bộ trực tiếp về cơ sở tổ chức phun thuốc khử khuẩn; khuyến cáo bà con khơi thông cống rãnh; dọn các vật dụng, phế liệu gây ứ đọng nước. Đồng thời, hướng dẫn cách xử lý nước sạch, chủ động phòng, chống dịch bệnh. 

Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La dọn các tuyến đường thành phố Sơn La.

Chiều 26/7, có mặt tại nhà văn hóa bản Phứa Cón, phường Chiềng An, Thành phố, có rất đông bà con đến khám bệnh. Qua thăm khám, đa phần mọi người bị "nước ăn chân". Chị Lò Thị Nguyệt, phường Chiềng An, cho biết: Khu vực gia đình tôi hiện nay đang bị ngập, do đó, tôi thường xuyên đi lại nên da chân, tay tôi bị ngứa. Đến khám, bác sĩ bảo tôi bị "nước ăn chân". Bác sĩ kê thuốc cho tôi và dặn sau hơn 1 tuần nếu không đỡ thì vào bệnh viện để kiểm tra.

Bác sĩ Bệnh viện Phong và Da liễu hướng dẫn bà con bản Phứa Cón, phường Chiềng An, Thành phố, sử dụng thuốc. 

Tại huyện Thuận Châu, cùng với tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện đã ban hành công văn triển khai công tác, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo khám chữa bệnh và vệ sinh môi trường sau lũ lụt theo phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó. 

Ông Quàng Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho hay: Trung tâm đã cấp cloraminB để các xã bị ngập lụt tập trung xử lý môi trường, nhất là xử lý nguồn nước sinh hoạt. Bố trí lực lượng phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại tất cả các khu vực dân cư để phòng ngừa các loại dịch bệnh phát sinh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, xử lý khử trùng nguồn nước bằng hóa chất do ngành Y tế cung cấp để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bà con. 

Mưa lũ ngày 24/7, gây ngập nhiều khu vực dân cư sinh sống ở xã Nong Lay.
Ảnh: Thủy Tiên (Trung tâm TT-TT huyện Thuận Châu).

Sau mưa lũ, úng ngập, môi trường sống thường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi xác động vật, thực vật thối rữa, nhất là nước từ các hố gas, nhà vệ sinh, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm... mang theo mầm bệnh, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Thực hiện Thông báo số 3231/UBND-KT ngày 24/7/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành Y tế đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh và vệ sinh  môi trường sau lũ lụt. Tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, hệ thống y tế cử lực lượng đến các bản vùng lũ đi qua để cấp cứu, cứu chữa người bị nạn. Đồng thời, tăng cường giám sát dịch bệnh, phát hiện và xử lý dịch bệnh kịp thời, không để dịch bệnh lây lan bùng phát, góp phần bảo vệ sức khỏe, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, từ chiều tối ngày 28/7 đến khoảng ngày 1/8, ở tỉnh Sơn La có khả năng xảy ra mưa vừa đến mưa to và giông, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70-200mm/đợt, có nơi trên 300mm. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện phương châm "4 tại chỗ"  (Chủ động phòng tránh - đối phó kịp thời - khắc phục khẩn trương - hiệu quả). Thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực cấp cứu, đảm bảo thông tin liên lạc thường trực 24/24giờ khi có báo động cấp 2 trở lên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; trung tâm y tế các huyện, thành phố; trạm y tế xã, phường tăng cường kiểm tra, giám sát, vệ sinh phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, xử lý kịp thời không để dịch lan. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, khuyến cáo, hướng dẫn nhân dân khử trùng và sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi; mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh duy trì trực ban, trực cấp cứu sẵn sàng thu dung và cấp cứu nạn nhân bị ảnh hưởng của thiên tai. Các đội cấp cứu cơ động ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu khi có lệnh. Khẩn trương triển khai biện pháp xử lý vệ sinh môi trường (khi có ngập nước, ô nhiễm môi trường…); sẵn sàng về nhân lực, thuốc, trang thiết bị, thu dung khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Không để dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ, ngành Y tế tiếp tục tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các khu vực bị ngập úng để sẵn sàng xử lý các tình huống dịch bệnh nếu phát sinh, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới