Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Sơn La đã phân bổ nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương đối với những lĩnh vực cần ưu tiên, phù hợp với điều kiện, tiềm năng lợi thế để triển khai, thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 4/3/2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện rà soát, đề xuất phương án điều chỉnh chuyển vốn từ các dự án, tiểu dự án, nhiệm vụ, nội dung hoạt động không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án, tiểu dự án, nhiệm vụ, nội dung có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định. Bố trí đủ nguồn vốn đối ứng (3%) từ ngân sách địa phương để thực hiện. Đối với các dự án, tiểu dự án, nhiệm vụ, nội dung đã hoàn thành, yêu cầu thực hiện ngay việc nghiệm thu, thanh lý, hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán theo quy định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện.
Cấp tỉnh và cấp huyện đã phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2024 với tổng số kinh phí thực hiện 617 tỷ 723 triệu đồng và số kinh phí thực hiện Chương trình năm 2022, năm 2023 còn lại chuyển nguồn sang năm 2024 là hơn 239 tỷ đồng. Thực hiện vốn đầu tư, tỉnh đã triển khai các dự án về: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, đã triển khai các dự án về hỗ trợ phát triển đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; cải thiện dinh dưỡng; hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Dự kiến hết năm 2024, toàn tỉnh giải ngân được trên 297 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 48,2% trên tổng kinh phí giao thực hiện Chương trình năm 2024. Trong đó, vốn đầu tư giải ngân 175 tỷ 388 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 99,8%; vốn sự nghiệp giải ngân 122 tỷ 155 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 27,6%. Ngoài ra, toàn tỉnh huy động gần 355 tỷ đồng xã hội hóa thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 7.330 hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Yên Châu đã có nhiều giải pháp linh hoạt tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hưởng lợi từ các chương trình, dự án, nguồn hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo. Giai đoạn 2021-2024, huyện Yên Châu được phân bổ 22,2 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; hỗ trợ cây giống, vật nuôi cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo.
Ông Phạm Đức Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13%. Theo đó, huyện sẽ tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, nhất là ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm, bảo hiểm xã hội... Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tôn vinh, khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu.
Còn tại xã Song Pe, huyện Bắc Yên, việc triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp xã hoàn thiện hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Bà Đinh Thị Bích, Chủ tịch UBND xã Song Pe, huyện Bắc Yên, cho biết: Giai đoạn 2021-2024, xã Song Pe được giao hơn 8,1 tỷ đồng thuộc nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo báo cáo sơ bộ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 14,17% năm 2023 xuống còn 11,1% năm 2024, đạt chỉ tiêu đề ra. Mục tiêu năm 2025, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,17%. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, quản lý, điều hành thực hiện chương trình theo quy định. Đồng thời, phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG. Tăng cường nắm bắt tiến độ triển khai và những khó khăn, vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ. Đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư bảo đảm tiến độ xây dựng các dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình hiệu quả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!