Những năm qua, huyện Phù Yên tích cực kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề, giúp người lao động có tay nghề, việc làm ổn định.
Hiện nay, huyện Phù Yên có khoảng 60.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó, khoảng 23.000 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, cùng một số người xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Qua đánh giá, khảo sát, năm 2024, có khoảng 6.000 lao động đang cần việc làm, chủ yếu là đồng bào vùng cao, vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình và học sinh tốt nghiệp lớp 12 chưa qua đào tạo nghề.
Bà Hoàng Thị Hồng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phù Yên, cho biết: Hằng năm, phòng tham mưu với UBND huyện phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến chương trình giải quyết việc làm tới nhân dân; thông tin các chính sách dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm của huyện, của tỉnh; các chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, của từng đơn vị tuyển dụng. Đối với học sinh lớp 12, phối hợp với các trường THPT tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, giúp các em có những thông tin cần thiết về nhu cầu thị trường lao động, đăng ký học nghề phù hợp.
Bên cạnh đó, huyện Phù Yên phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, Trường cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam; Công ty TNHH đầu tư phát triển nguồn nhân lực (IRE); Công ty Samsung, khu công nghiệp Bắc Ninh; Công ty TNHH xuất nhập khẩu và phát triển các giải pháp thông minh Trí Việt… đào tạo nghề cho lao động và cam kết làm việc cho đơn vị sau khi được đào tạo.
Ông Nguyễn Xuân Đức, giảng viên Trường cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, thông tin: Hiện nay, công việc khai thác khoáng sản, nhất là khai thác than cần số lượng lớn lao động. Nhưng do công việc đặc thù, đòi hỏi kỷ luật cao, khả năng tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm làm việc trong điều kiện khó khăn, nên đơn vị phải về các địa phương lựa chọn lao động phù hợp để đào tạo.
Qua khảo sát, phần lớn lao động đi làm việc ở ngoại tỉnh có mức thu nhập 5-8 triệu đồng/người/tháng, giúp gia đình cải thiện đời sống; hỗ trợ mua sắm các tư liệu sản xuất; xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở..., góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Ngoài việc kết nối, tạo việc làm cho lao động ngoại tỉnh, huyện Phù Yên quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, giúp nông dân phát triển sản xuất hiệu quả.
Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức 120 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất, hướng dẫn nhân dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, sản xuất sản phẩm sạch, VietGAP, hữu cơ… nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tích cực hỗ trợ lao động có nhu cầu đến học nghề, tuyển dụng lao động tại địa phương.
Anh Lê Văn Toàn, bản Văn Tân, xã Mường Cơi, chia sẻ: Gia đình có trên 5 ha cây ăn quả, được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng thời, tôi tự học hỏi thêm kiến thức qua ti vi, sách báo để áp dụng vào sản xuất, giúp sản lượng quả đạt trên 50 tấn/năm. Gia đình còn tạo việc làm cho 5-7 lao động địa phương, mức thu nhập theo thỏa thuận công việc.
Mục tiêu đến hết năm 2024, tỷ lệ lao động địa phương đã qua đào tạo nghề đạt trên 20%, huyện Phù Yên đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của lao động, xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp dạy nghề gắn với tuyển dụng lao động vào làm việc, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, tăng cường mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, giúp bà con có kiến thức, đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!