Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng các chính sách hỗ trợ hạ tầng thiết yếu, đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số 

Mùa khô năm nay, hơn 600 hộ dân của xã biên giới Nậm Lạnh không còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Bởi cuối năm 2022, công trình cấp nước sinh hoạt liên bản Púng Tòng, bản Phổng, bản Lọng Tòng, bản Lạnh, bản Cang và các cơ quan, đơn vị tại trung tâm xã đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công trình có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Tòng Văn Cung, bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh chia sẻ: Trước đây, công trình nước cũ xuống cấp, hư hỏng, khiến nhân dân thiếu nước sinh hoạt, phải mang thùng, can đi lấy nước ở các mó, khe suối về dùng, không đảm bảo vệ sinh. Nay được Nhà nước đầu tư công trình cấp nước mới, dẫn về tận nhà rất tiện lợi, không phải lo thiếu nước nữa.

Nhà văn hóa bản Huổi Làn, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp xây dựng khang trang. Ảnh; Quàng Hưởng

Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Sốp Cộp được giao hơn 120 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn. Đến nay, huyện hỗ trợ cho 44 hộ mua téc, bồn chứa nước; đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Hỗ trợ hơn 34,1 tỷ đồng khoán bảo vệ rừng đặc rụng, rừng phòng hộ. Gần 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh...

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Huyện còn dành 5,3 tỷ đồng tổ chức đào tạo nghề cho hằng trăm lao động nông thôn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường PTDT bán trú TH và THCS Nậm Lạnh; đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị 3 nhà văn hóa bản... từng bước nâng cao đời sống đồng bào vùng biên.

Còn tại huyện Phù Yên, triển khai thực hiện tiểu dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư bản, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện giao Ban Quản lý Dự án phát triển lâm nghiệp bền vững huyện hỗ trợ 5,2 tỷ đồng để trồng mới trên 140 ha rừng sản xuất; hỗ trợ 312 chủ rừng là các hộ gia đình, cộng đồng bản bảo vệ trên 8.280 ha rừng của 9 xã.

Ngoài ra, huyện Phù Yên hỗ trợ 425 hộ dân mua thiết bị chứa nước sinh hoạt; xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt các bản Bãi Vàng, xã Đá Đỏ; bản Đồng Mã, xã Tân Phong; bản Thượng Lang, xã Mường Lang và bản Khe Lành, xã Mường Thải; 56 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 69 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; sắp xếp dân cư cho 40 hộ của bản Suối Thịnh, xã Suối Bau và bản Khoai Lang, xã Mường Thải.

Chị Đinh Thị Oanh, bản Giáo 1, xã Huy Tân thông tin: Năm 2022, được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng/ha tiền mua cây giống và tiền chăm sóc, gia đình tôi đã quyết định chuyển hơn 3 ha cây thông sang trồng cây tếch, hiện cây phát triển tốt. Nhờ được nhà nước hỗ trợ, tôi và nhiều gia đình khác trong xã có điều kiện phát triển trồng rừng kinh tế, phủ xanh đất trống, đồi trọc, sau này có nguồn thu từ trồng rừng.

Tổng vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Sơn La là hơn 8.713 tỷ đồng. Sau hơn 3 năm triển khai, đã giải ngân được 417 tỷ đồng, từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 179 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ dân tộc thiểu số còn du canh, du cư tại 17 điểm định canh định cư tập trung cho khoảng 956 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 8 huyện. Đào tạo nghề, tạo việc làm cho 7.030 người...

Tuyến tỉnh lộ 112, thuộc địa phận xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên sau khi được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Quàng Hưởng

Tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, tỉnh đã hỗ trợ trên 50 tỷ đồng thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư trên địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư, phát triển vùng dược liệu quý tại huyện Vân Hồ; đầu tư 5 công trình đường giao thông liên xã chưa được cứng hóa; 8 công trình chợ; duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng các xã, bản đặc biệt khó khăn, đạt 63,79% kế hoạch giao. Đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc La Ha của các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La...

Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả

Đến nay, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản được xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, còn một số hướng dẫn đã ban hành, nhưng chưa cụ thể, chưa sát thực tiễn, một số nội dung các dự án còn chưa có định mức… dẫn đến khó khăn trong triển khai, thực hiện.

Cụ thể, nguồn vốn sự nghiệp thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề hiện nay được giao theo hai mục chi sự nghiệp bảo đảm xã hội, mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác và chi hỗ trợ đào tạo học nghề. Khi triển khai, cấp cơ sở phải thực hiện theo hình thức tương ứng, nhưng thực tế, người dân ít có nhu cầu hỗ trợ học nghề.

Hay trong văn bản Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ phương án phân bổ kế hoạch 5 năm có xác định số nhà tạm của tỉnh Sơn La là 660 nhà, số hộ hỗ trợ đất ở là 1.700 hộ, nhưng khi làm việc với các huyện, nhu cầu thực tế số nhà tạm cao hơn và số hộ hỗ trợ đất lại thấp hơn so với số được giao. Hiện nay, Chính phủ chưa ban hành tiêu chí bản có đông đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù; định mức, hình thức hỗ trợ đối với nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, do đó, tỉnh chưa có cở sở tổ chức thực hiện...

 Hướng dẫn nhân dân xã Háng Đồng trồng, chăm sóc chè. Ảnh: Quàng Hưởng

Ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Ban tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đề nghị với các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm điều chỉnh, bổ sung các hướng dẫn, tăng cường phân cấp cho địa phương để địa phương triển khai thực hiện; tham mưu với Chính phủ phê duyệt và bố trí kinh phí triển khai dự án sử dụng vốn chính sách phát triển hỗ trợ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. 

Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình từ tỉnh đến huyện sát sao, kịp thời trong quá trình tổ chức, thực hiện các nội dung đảm bảo đúng quy định, phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng 2 lần so với năm 2020; có ít nhất một huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn nông thôn mới; 85% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 99% số hộ được sử dụng điện lưới an toàn; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% trường học xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh cho học sinh ở các cấp học; 100% đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…

Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để một số chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La được triển khai kịp thời, đúng quy định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống đồng bào.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới