Mộc Châu có 15 xã, thị trấn, với 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60,69% dân số. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sinh hoạt của nhân dân.
Theo con đường bê tông kiên cố uốn lượn qua các sườn núi về bản Co Cháy, xã biên giới Lóng Sập, chứng kiến những xe ô tô tải vào tận bản thu mua nông sản, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới nơi đây. Ông Tráng Sống Lừ, 80 tuổi, phấn khởi nói: Niềm mơ ước lâu nay có con đường kiên cố của bà con đã thành hiện thực. Bây giờ, dù trời mưa hay nắng đều đi được xe máy; hàng hóa, đồ dùng thiết yếu được ô tô chở về tận bản để bán; ngô, sắn làm ra cũng bán tại bản với giá cao hơn. Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm.
Công trình đường liên bản Co Cháy - Pu Nhan, được khởi công cuối năm 2022, với quy mô dài hơn 720 m, rộng 3,5 m, đổ bê tông dày 18 cm, có tổng mức đầu tư 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2023.
Anh Lầu A Nếnh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Co Cháy, cho biết:Bản Co Cháy có 53 hộ, 280 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông. Đường về bản đã được đổ bê tông, đi lại thuận tiện, bà con ai cũng phấn khởi và sẽ tiếp tục đóng góp tiền, hiến đất mở rộng tuyến đường nội bản và đổ bê tông các đường về khu sản xuất, đáp ứng nhu cầu đi lại và tiêu thụ nông sản.
Về xã Chiềng Khừa, niềm vui tiếp tục nhân lên khi chứng kiến công trình nhà lớp học và nhà ở bán trú của Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS xã đã được hoàn thành, giúp các em học sinh nơi biên giới được học tập, ăn ở trong điều kiện tốt nhất. Công trình có tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng, xây mới nhà lớp học 2 tầng, 6 phòng; nhà bếp ăn một tầng, diện tích hơn 95 m2; nhà bán trú một tầng, 5 phòng, diện tích 175,5 m2.
Thầy giáo Nguyễn Kim Cương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường có 28 lớp, 710 học sinh hai bậc tiểu học và THCS, trong đó, có 294 học sinh bán trú. Công trình được đưa vào sử dụng, giúp nhà trường hoàn thiện cơ sở vật chất, với 100% phòng học kiên cố, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, hướng tới đạt chuẩn quốc gia trong năm học này.
Năm 2024, huyện Mộc Châu được phân bổ trên 66,4 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển trên 32,5 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp gần 33,9 tỷ đồng. Huyện Mộc Châu đã đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; 6 công trình đường giao thông; một nhà văn hóa cho các xã, bản đặc biệt khó khăn; nâng cấp một trường học...
Những cung đường bê tông, những nhà lớp học và hàng trăm công trình được đầu tư xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao biên giới Mộc Châu. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được bê tông hóa hoặc rải nhựa; 90% bản, tiểu khu có đường được cứng hóa; 72,46% trường lớp học được xây dựng kiên cố; 99,47% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS mức độ 3; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2023 giảm xuống còn 3,47%.
Ông Hà Mạnh Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu, cho biết: Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đề xuất với tỉnh và Trung ương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai vốn sự nghiệp của Chương trình 1719. Hằng năm, tập trung phân bổ kế hoạch vốn của các dự án, tiểu dự án thành phần; giao các phòng, ban chuyên môn, đơn vị rà soát, xây dựng phương án hỗ trợ, báo cáo kinh tế kỹ thuật trình các cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt dự án đầu tư theo đúng quy định. Lựa chọn đối tượng thụ hưởng và địa bàn theo đúng thông tư, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền ban hành.
Bên cạnh đó, huyện tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án, công trình mà nhân dân vùng đặc biệt khó khăn có nhu cầu cấp thiết, như cứng hóa đường giao thông nông thôn, công trình nước sinh hoạt, thủy lợi phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, nhà văn hóa... Trong đó, ưu tiên đầu tư cứng hóa hệ thống đường giao thông liên xã, liên bản có tính kết nối với các khu vực có tiềm năng phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 31 trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!