Dự án Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu ở Tây Bắc Việt Nam (VOF) được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2019-2022.
Dự án hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định ở địa phương.
Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ, thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA) và do PanNature điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu. Trọng tâm của Dự án là thử nghiệm xây dựng mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu ở tại 6 thôn, bản của 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu. Tại Sơn La, dự án đã giới thiệu và lựa chọn nhân sự cho nhóm nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu tại bản Phé A, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu; bản Nà Si, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn; bản Nà Khái, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu; bản Thín, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ.
Bản Nà Si, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn thực hiện dự án với mô hình nông nghiệp tổng hợp. Trong đó mô hình xoài, nhãn trồng theo mô hình nông, lâm kết hợp định hướng theo tiêu chuẩn VietGap là mô hình chính. Xoài và nhãn là các cây trồng đã được các hộ dân ở đây trồng từ năm 2000 – 2014, cách làm mới ở đây là việc trồng xen băng các loại cỏ, cây để che phủ, giữ ẩm đất và định hướng lại canh tác theo tiêu chuẩn VietGap hoặc OCOP... Cách làm này khắc phục được vấn đề hạn hán do BĐKH và giảm được lượng phân hóa học cũng như thuốc hóa học dùng cho cây ăn quả.
Bên cạnh đó, các hộ dân được hướng dẫn các mô hình phụ, như nuôi bò nhốt chuồng, ủ phân, ủ thức ăn chăn nuôi và cấy lúa theo phương pháp SRI. Các mô hình này có sự tương tác qua lại và hỗ trợ cho nhau, đầu ra của mô hình này sẽ là đầu vào của mô hình kia, nhờ đó mà lượng CO2 phát thải trong sản xuất nông nghiệp được giảm xuống.
Chị Tòng Thị Sợi, bản Nà Si, xã Hát Lót, cho biết: Qua hoạt động dự án, đã hình thành nên nhóm liên kết tiêu thụ sản phẩm xoài, nhãn. Trong đó các thành viên chia sẻ với nhau về đầu mối tiêu thụ, xu hướng thị trường. Cùng với đó, thông qua mô hình canh tác lúa theo SRI của nhóm, xã Hát Lót đã thúc đẩy biện pháp canh tác lúa theo SRI trên phạm vi toàn xã, đưa diện tích lúa SRI thành một chỉ tiêu trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Các hộ dân ở bản Thín, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ tham gia dự án được hướng các mô hình, gồm: Mô hình nông lâm kết hợp xoài, vải trồng xen cỏ và dứa; mô hình ủ phân từ chất thải đại gia súc nuôi nhốt; ủ thức ăn chăn nuôi cho bò; trồng bồ kết phục hồi rừng sau nương rẫy theo hình thức tận thu quả. Việc trồng kết hợp cỏ dưới vườn xoài, vải sẽ cung cấp cỏ tươi và cỏ để ủ thức ăn cho chăn nuôi trâu bò. Bên cạnh đó, dứa là cây đem lại nguồn thu phụ, giúp ổn định thu nhập các hộ dân trong giai đoạn xoài, vải chưa cho thu hoạch. Trâu bò chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt, phân thải từ chăn nuôi sẽ được ủ cùng phụ phẩm nông nghiệp để bón lại cho xoài, vải và các cây trồng khác. Mô hình giúp tận dụng tối đa các sản phẩm trong mô hình, giảm chi phí đầu tư đặc biệt là phân bón đồng thời giúp kiểm soát nguồn phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. Mô hình bồ kết được trồng tại các khu vực cao, giáp rừng, giúp tạo vùng đệm giữa khu vực sản xuất nông nghiệp với rừng, đồng thời hạn chế tối đa việc xói mòn rửa trôi, sạt lở đất và đá, ảnh hưởng tới diện tích nông nghiệp ở vùng phía dưới.
Ông Mùi Văn Xuân, Trưởng nhóm nông dân bản Thín, xã Xuân Nha, chia sẻ: Chúng tôi được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, được tham gia thực hành kỹ thuật canh tác thông qua việc xây dựng các mô hình thí nghiệm trên thực tế đã giúp thay đổi nhận thức canh tác, các hộ biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Dự án có những hoạt động thiết thực hỗ trợ người dân về tư liệu sản xuất, giúp các nhóm nông dân thích ứng lập kế hoạch sản xuất và thúc đẩy việc lập kế hoạch cho từng vụ sản xuất, tăng cường vai trò của người dân trong xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường cũng như hình dung ra được biến đổi khí khậu có ảnh hưởng thế nào đến đời sống; từ đó, có ý thức hơn trong việc áp dụng kỹ thuật canh tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những kết quả đạt được trong Mô hình làng nông nghiệp ứng phó với BĐKH áp dụng cách tiếp cận lấy người nông dân làm trung tâm và thúc đẩy cộng đồng một cách tổng thể đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với BĐKH của cộng đồng, tăng cường vai trò của nông dân trong lập kế hoạch và quy hoạch sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững ở các địa phương, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!