LTS: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, dự kiến diễn ra trong hai ngày 17 và 18/9 tại hội trường Công an tỉnh. Đại hội có nhiệm vụ tổng kết đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024. Đồng thời, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn 2024-2029. Phóng viên Báo Sơn La đã phỏng vấn ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh về công tác chuẩn bị Đại hội. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên: Xin ông cho biết ý nghĩa của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024?
Ông Thào Xuân Nếnh: Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, năm 2024, là sự kiện chính trị quan trọng, tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; là biểu tượng của khối đại đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của các dân tộc. Là dịp tôn vinh, biểu dương tập thể, cá nhân là người dân tộc thiểu số tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc. Đồng thời, là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân đối vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.
Đại hội đại biểu các DTTS khơi dậy lòng tự hào, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, để đồng bào các DTTS tiếp tục nỗ lực thực hiện thắng lợi quyết tâm thư tại Đại hội, hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Phóng viên: Công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, năm 2024, như thế nào, thưa ông?
Ông Thào Xuân Nếnh: Đại hội lần thứ IV với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập, chung tay xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”. Đến hết tháng 6/2024, có 12/12 huyện, thành phố tổ chức thành công Đại hội đại biểu DTTS, với tổng số 1.800 đại biểu tham dự, các đại hội đã hiệp thương cử 175 đại biểu chính thức tham dự Đại hội DTTS tỉnh Sơn La lần thứ IV. Đại hội DTTS các cấp huyện đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương; có 36 cá nhân được nhận bằng khen của UBND tỉnh, 60 cá nhân nhận giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh.
Công tác chuẩn bị Đại hội DTTS tỉnh Sơn La lần thứ IV được triển khai đúng kế hoạch. Đến nay, đã hoàn thành thẩm định các nội dung, văn kiện, nhân sự, khánh tiết, kịch bản, chương trình Đại hội bảo đảm chất lượng, thống nhất. Cơ cấu số lượng đại biểu lựa chọn theo thành phần dân tộc, đúng độ tuổi; trong đó, có 83 đại biểu khách mời, 250 đại biểu chính thức; gồm 151 đại biểu dân tộc Thái, 45 đại biểu dân tộc Mông, 31 đại biểu dân tộc Mường, 4 đại biểu dân tộc Dao, 4 đại biểu dân tộc Khơ Mú, 5 đại biểu dân tộc Xinh Mun, 2 đại biểu dân tộc La Ha, 2 đại biểu dân tộc Lào, 3 đại biểu dân tộc Kháng, 1 đại biểu dân tộc Hoa và 2 đại biểu dân tộc Tày.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Đại hội các DTTS. Đồng thời, chuẩn bị tốt các diều kiện phục vụ Đại hội, như bảo đảm an ninh trật tự; chăm sóc sức khỏe đại biểu, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phóng viên: Xin ông cho biết những mục tiêu cơ bản của Đại hội đại biểu DTTS tỉnh lần thứ IV?
Ông Thào Xuân Nếnh: Với những kết quả đạt được trong 5 năm qua, đặc biệt từ sự thành công của Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, Đại hội đại biểu DTTS tỉnh lần thứ IV xác định mục tiêu tổng quát, đó là tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các xã, thôn, bản khó khăn. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, kết nối vùng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển công nghệ thông tin trong vùng đồng bào DTTS. Tăng cường công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đầu tư, phát triển du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh từng địa phương.
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, quan tâm phát triển nguồn nhân lực là người DTTS; phát triển mạng lưới y tế ở cơ sở, chăm sóc tốt sức khỏe đồng bào DTTS.
Mục tiêu đến năm 2029, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%, đến năm 2029, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề, có thu nhập ổn định đạt trên 50%; 100% số xã, bản có nhà văn hóa; 100% số bản có đội văn nghệ truyền thống, hoạt động thường xuyên, chất lượng; 60% số xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!