Ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đang bám sát nhiệm vụ, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết của tỉnh. Nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ triển khai, ngày càng đi vào chiều sâu và có tính ứng dụng cao, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điểm lại kết quả hoạt động nổi bật, ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Năm 2023, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tiếp tục đẩy mạnh, toàn diện trên các lĩnh vực và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Toàn tỉnh triển khai, thực hiện 41 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 60%, lĩnh vực xã hội nhân văn chiếm 29%, lĩnh vực khác chiếm 11%.
Nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, là ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc phát triển nguồn giống và trồng thâm canh rừng Thông Caribê tại tỉnh Sơn La; Nghiên cứu ứng dụng xây dựng mô hình trồng nho giống mới chịu hạn (giống Hạ Đen) theo hướng hữu cơ; Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của con lai F1 giữa bò BBB và bò lai Sind trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng thiết bị máy bay không người lái (UAV) tích hợp công nghệ 4.0 theo dõi sinh trưởng, sức khỏe một số cây trồng nông nghiệp (xoài, nhãn)...
Tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, nông dân chuyển đổi sản xuất sang trồng nho bước đầu thành công. Thăm vườn nho rộng hơn 3.000 m² của ông Nguyễn Thanh Hải, thôn Hoàng Văn Thụ, đang chín rộ, các thành viên tất bật thu hoạch, cắt cuống, xếp hộp để cung cấp cho thị trường. Ông Hải cho biết: Tham gia thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng xây dựng mô hình trồng nho Hạ Đen”, gia đình được hướng dẫn quy trình trồng theo hướng hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh hại bằng phương pháp an toàn, cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Với 1.000 gốc nho Hạ Đen, năm đầu, cho thu hoạch 1,5 tấn, sang năm thứ 2 trở đi, thu hoạch trên 2 tấn quả, giá trung bình 130.000-150.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.
Các nghiên cứu về kinh tế - xã hội, nhân văn được từng bước triển khai như đề tài “Nghiên cứu thị trường và dịch vụ logistics đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây của tỉnh Sơn La sang thị trường một số nước châu Âu”; “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng mô hình quản lý công trình hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị trên địa bàn thành phố Sơn La”; “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo xây dựng mô hình tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La”..., góp phần phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Đề tài “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo xây dựng mô hình tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La” đã góp phần thu thập hình dữ liệu, ảnh thực địa cảnh quan Nhà tù Sơn La, tái hiện, phục dựng các hạng mục công trình, cảnh sinh hoạt của tù nhân, các chứng tích, tư liệu, nhân vật lịch sử tại di tích... Qua đó, phát huy giá trị lịch sử của khu di tích; phục vụ giáo dục lịch sử địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch.
Cùng với đó, công tác sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục được quan tâm. Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ cấp Quốc gia đăng ký bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ việc quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La; tổ chức công bố nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Phù Yên”. Phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện hiệu quả các mô hình trồng thử nghiệm và hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng nho Mẫu Đơn, nho đen không hạt trong nhà màng, trồng cà chua, ớt chuông, cần tây; hoàn thiện quy trình nhân giống lan Kim Tuyến bằng phương pháp nuôi cấy invitro tại Khu nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông, lâm nghiệp Mộc Châu...
Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản, quy định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ; bàn giao kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nghiệm thu cho các sở, ban ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn. Nâng cao chất lượng hoạt động tham mưu, tư vấn của các hội đồng tư vấn trong việc đề xuất định hướng nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng. Đồng thời, hướng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ bám sát nhiệm vụ của tỉnh, góp phần đắc lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhanh, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!