Hưng Yên là vùng đất có truyền thống văn hiến từ lâu đời, với địa danh phố Hiến là thương cảng đô hội quan trọng bậc nhất ở Đàng Ngoài thời phong kiến, đi vào câu ca dân gian "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến". Vùng đất địa linh, nhân kiệt với nhiều doanh nhân, anh hùng dân tộc, những năm qua, đã và đang bứt phá ấn tượng trên các lĩnh vực, đúng như tên gọi của vùng đất khát vọng, ước vọng Hưng thịnh – Yên bình do vua Minh Mạng đặt tên.
Những thành tựu ấn tượng
Hưng Yên có vị trí địa lý thuận lợi, địa hình bằng phẳng, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, đất đai màu mỡ được phù sa bồi đắp bởi hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc tạo nên những cánh đồng lúa, ngô xanh biếc, những đầm sen rộng lớn, những vườn nhãn lồng ngon ngọt... Với lợi thế ở vị trí địa chính trị thuận lợi trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Hưng Yên hấp dẫn các nhà đầu tư và phát triển kinh tế.
Phát huy truyền thống, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã xác định đúng hướng đi, khai thác tiềm năng, lợi thế để bứt phá đi lên. Đến năm 2020, Hưng Yên là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; một trong 16 tỉnh tự cân đối thu – chi ngân sách và có đóng góp cho ngân sách quốc gia.
Tiếp nối thành công, một trong bốn quan điểm phát triển giai đoạn 2020-2025 được Đảng bộ tỉnh Hưng Yên xác định là: Giữ vững định hướng phát triển trên cả 3 trụ cột về kinh tế, xã hội và môi trường: Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch; hướng tới đô thị thông minh; thương mại điện tử phát triển; tăng nhanh tỷ trọng kinh tế số trong GRDP; kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ với tầm nhìn dài hạn; nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao; ô nhiễm môi trường KCN, CCN, làng nghề, trong nông thôn và lưu vực sông được kiểm soát….
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, năm 2022 kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được khá toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 13,4%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 102,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 63,91%; thương mại, dịch vụ 28,60%; nông nghiệp, thủy sản 7,49%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5%; tăng trưởng của ngành xây dựng có bước nhảy vọt đạt 41,52%. Có thêm 2 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư; 2 khu công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch; thành lập mới 9 cụm công nghiệp. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 19,32%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 61,1%. Xuất khẩu tăng 1,25%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,32%. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản tăng 2,5%. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 230 triệu đồng. Tình hình chăn nuôi, thủy sản phát triển khá ổn định. Có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểm mẫu. Tiếp nhận 77 dự án đầu tư mới với số vốn đăng ký tương đương 212,53 triệu USD và 21.395 tỷ đồng.
Từ nhóm 3 tỉnh có số thu ngân sách thấp nhất cả nước năm 1997, đến năm 2022, tổng thu ngân sách tỉnh Hưng Yên 50.850 tỷ đồng, đạt 260,4% dự toán, tăng 2,67 lần so với năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 46.500 tỷ đồng, vượt 192% dự toán, tăng 207,7%. Đây là một trong những con số ấn tượng thể hiện sự quyết tâm đổi mới và bứt phá của tỉnh Hưng Yên đã lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế- xã hội phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 57.618 tỷ đồng, tăng 45,53% so năm 2021. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tiếp tục được tăng cường. Hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm đầu tư, các công trình giao thông trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Công tác giáo dục y tế, văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực, toàn tỉnh đã có 428 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 92,6%, 100% xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa 89,7%; tỷ lệ gia đình văn hóa 92,2%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa 92%. Công tác an sinh, xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả, thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,94%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, tạo việc làm mới cho 2,5 vạn lao động. Quốc phòng quân sự địa phương đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được nâng lên.
Nhiều mục tiêu lớn và giải pháp đồng bộ
Với những thành tựu đã đạt được, năm 2023 tỉnh Hưng Yên quyết liệt thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát giá cả, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, chú trọng hơn ở các khu vực trọng điểm để thúc đẩy lan tỏa phát triển. Thực hiện hiệu quả thích ứng an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh phấn đấu nhiều mục tiêu lớn: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh (GRDP) tăng 9%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 112 triệu đồng. Tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 52.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 63.500 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 22.921 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 18.221 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.700 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 238 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,6%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%.
Hiện thực hóa các mục tiêu, tỉnh Hưng Yên tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo bước đột phá trong phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện đại. Phấn đấu có ít nhất 1 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; thu hút 450 triệu USD vốn đầu tư vào các khu công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp đã được thành lập, phấn đấu có ít nhất 10 cụm công nghiệp triển khai xây dựng hạ tầng.
Tăng cường thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư; chủ động, kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhất là đối với công trình dự án trọng điểm của tỉnh, quốc gia trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án khu công nghiệp đầu tư mới, dự án khu công nghiệp mở rộng đã được quyết định chủ trương đầu tư; giải phóng mặt bằng khoảng 500ha đất của các dự án cụm công nghiệp đã được thành lập.
Triển khai có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành công nghiệp và ngành thương mại của tỉnh; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các hình thức thương mại điện tử. Rà soát, bổ sung điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phân cấp cho cấp xã và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và cộng đồng trực tiếp tham gia thực hiện các chương trình, dự án trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu năm 2023 trung bình mỗi huyện, thị xã, thành phố có thêm ít nhất 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các chương trình, dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn ngay từ những ngày đầu năm. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống. Phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích nghiên cứu, xây dựng đề án, thành lập Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao.
Thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và đảm bảo an sinh xã hội. Có chính sách đặc thù của tỉnh đối với những người nghèo, người già cô đơn không nơi nương tựa, không có khả năng thoát nghèo, chuyển sang bảo trợ xã hội; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chính sách để từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn 0,5%. Tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu du lịch.
Khát vọng phát triển với quyết tâm ca, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!