Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Thuận Châu đã triển khai nhiều giải pháp, tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giai đoạn 2022-2024, huyện Thuận Châu được phân bổ hơn 500 tỷ đồng, triển khai các dự án. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc.
Triển khai dự án đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn rà soát tổng hợp nhu cầu hỗ trợ người dân. Trong đó, đầu tư xây dựng 19 công trình cơ sở hạ tầng tại các bản có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống; hỗ trợ thiết bị nhà sinh hoạt cộng đồng cho 13 bản; hỗ trợ giống, vật nuôi, tổ chức tập huấn kiến thức sản xuất cho 646 hộ đồng bào dân tộc La Ha, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 9,7 triệu đồng.
Trong tháng 5 vừa qua, gia đình anh Quàng Văn Hiên, dân tộc La Ha, bản Tát Ướt, xã Liệp Tè được hỗ trợ bê giống, giúp gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Anh Quàng Văn Hiên chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi có 3 con bò và 15 con dê, nuôi 16 lồng cá, chăm sóc gần 5 ha cây ăn quả; trồng 4 ha ngô, sắn phục vụ chăn nuôi
Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được chú trọng. Huyện đã đầu tư xây dựng 62 công trình; duy tu, bảo dưỡng trên 50 công trình tại các bản, xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 71,55% số bản có đường ô tô.
Được tuyên truyền, vận động, gia đình anh Lềm Văn Duyên, bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, đã hiến hàng chục mét vuông đất để mở rộng tuyến đường nội bản, đường ra khu sản xuất. Anh Duyên nói: Trước đây, tuyến đường nhỏ hẹp, xe ô tô không vào vận chuyển nông sản được. Cùng với một số hộ trong bản, gia đình tôi đã tự nguyện hiến đất để có đường bê tông rộng rãi, phục vụ đi lại và sản xuất, bà con phấn khởi lắm.
Ngoài ra, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, 2 năm (2022-2023), huyện Thuận Châu đã hỗ trợ làm nhà mới cho 170 hộ nghèo tại 22 xã; 125 hộ nghèo được vay vốn; 420 hộ nghèo thiếu đất sản xuất được hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất và chuyển đổi ngành nghề; 645 hộ được hỗ trợ bồn đựng nước sinh hoạt. Đồng thời, đầu tư xây dựng 5 công trình nước sạch ở xã Chiềng Pha, Chiềng Bôm, Bản Lầm, Bon Phặng. Huyện phấn đấu năm 2024, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 740 hộ nghèo thiếu đất sản xuất và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 949 hộ nghèo.
Tuy nhiên, một số nội dung của chương trình còn triển khai chậm, như việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ đầu tư thu hồi vốn đối với hộ dân tộc còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các bản đặc biệt khó khăn đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Đến nay, mới giải ngân đạt 56,72% kế hoạch vốn được giao giai đoạn 2022-2024.
Ông Lò Văn Quý, Trưởng phòng Dân tộc huyện, cho biết: Huyện đang tiếp tục triển khai quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án, mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án tạo sinh kế cho đồng bào...
Phấn đấu đến năm 2029, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn dưới 10%; cơ bản không còn xã, bản đặc biệt khó khăn; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 50% số bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!