Đồng hành cùng xã đặc biệt khó khăn

Thực hiện sự phân công của UBND tỉnh về giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn, từ năm 2021 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai đa dạng các hoạt động đồng hành cùng xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn vượt khó vươn lên.

Giọng nữ
Sở Khoa học và Công nghệ bàn giao dúi giống cho các hộ của xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn.

Một trong những mục tiêu được Sở Khoa học và Công nghệ đặt lên hàng đầu là giúp xã Nà Ớt hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững. Hằng năm, trên cơ sở kế hoạch tỉnh giao, Sở cử nhiều lượt cán bộ cùng các tổ chức đoàn thể khảo sát, đánh giá, nắm bắt trực tiếp tình hình thực tế, nhu cầu của các hộ nằm trong danh sách dự kiến thoát nghèo của địa phương, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, hỗ trợ giúp đỡ thoát nghèo. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo triển khai nhiệm vụ “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi dúi mốc” trên địa bàn xã Nà Ớt, nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, trao “cần câu”, khơi dậy nội lực thoát nghèo cho người dân nơi đây. Mục tiêu của nhiệm vụ là đánh giá tính thích nghi và hiệu quả kinh tế, làm cơ sở cho việc khuyến khích người dân áp dụng đại trà vào sản suất, góp phần phát triển kinh tế hộ.

Với nguồn kinh phí từ đóng góp của các cán bộ, công chức, viên chức, tháng 11/2023, Sở đã hỗ trợ 40 con dúi giống cho 5 hộ gia đình xây dựng mô hình nuôi dúi tại xã Nà Ớt, trong đó mỗi hộ nhận 8 con giống. Sau 1 năm thực hiện, dưới sự hướng dẫn chăm sóc của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đến nay, đàn dúi sinh sản thêm 110 con.

Kỹ sư Tòng Văn Thanh, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho biết: Dúi là động vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít nhiễm dịch bệnh, chi phí đầu tư chăn nuôi thấp, thị trường đầu ra ổn định. Trung tâm đã khảo sát điều kiện tự nhiên tại xã và vận động 5 hộ tham gia, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại, lựa chọn thức ăn; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc dúi sinh sản, nuôi dúi thương phẩm và các biện pháp phòng bệnh cho đàn dúi.

Với 8 con dúi giống được hỗ trợ ban đầu và được cán bộ Trung tâm hướng dẫn làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, gia đình anh Hà Văn Hoa, bản Há Sét, xã Nà Ớt đã nắm cơ bản về đặc tính của loài dúi. Anh Hoa chia sẻ: Đến nay, đàn dúi đã đẻ được 3 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con, sau 3 tháng xuất chuồng, trọng lượng từ 4-5 kg/con. Riêng nuôi dúi thương phẩm sau 8 tháng có thể xuất chuồng, giá bán từ 450.000-500.000 đồng/kg, cho thu nhập khá.

Cũng từ 8 con giống được hỗ trợ, gia đình Hoàng Văn Quân, bản Lọ Dên, xã Nà Ớt đã bố trí 60 m2 xây dựng 10 ô chuồng. Ông Quân nói: Được tập huấn kỹ thuật chăm sóc an toàn sinh học, phòng tránh các bệnh thường xảy ra trên đàn dúi. Trong quá trình dúi sinh sản, gia đình thường xuyên theo dõi bổ sung đủ dinh dưỡng, thức ăn chứa nhiều canxi trong củ quả cho dúi mẹ. Ngoài ra, tôi cùng các hộ nuôi dúi trong xã lập nhóm zalo chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi dúi thương phẩm. Đến nay, đàn dúi sinh sản thêm 25 con, gia đình đang tiếp tục mở rộng quy mô nuôi dúi thương phẩm.

Nà Ớt là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, kinh tế của bà con chủ yếu phụ thuộc trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, do đất địa hình đồi dốc, quỹ đất sản xuất ít, nên việc mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm còn nhiều khó khăn. Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất lựa chọn triển khai mô hình nuôi dúi mốc, chính quyền địa phương xác định đây là cơ hội giúp người dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn.

Ông Hà Văn Út, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Ớt, cho biết: Được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, sau gần 1 năm triển khai, mô hình nuôi dúi phát triển tốt, xã đang khuyến khích, tạo điều kiện để mô hình được nhân rộng, không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức và tư duy trong phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp địa phương khai thác tốt tiềm năng phát triên kinh tế, từng bước hoàn thiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới