Tháng 12, chúng tôi có dịp trở lại xã Chiềng Sơn - một trong những xã có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nhất của huyện Mộc Châu, với khu trung tâm xã sầm uất, những dãy nhà xây cao tầng mọc lên san sát. Nhưng ấn tượng nhất là tuyến đường liên xã, bản, tiểu khu được rải nhựa, bê tông hóa khang trang, sạch sẽ, được tô điểm bởi những dãy hoa ngũ sắc rực rỡ, tạo không gian xanh - sạch -đẹp.
Chiềng Sơn là xã biên giới của huyện Mộc Châu, với 20 bản, hơn 2.200 hộ dân, gần 9.000 nhân khẩu, có 7 dân tộc cùng sinh sống. Năm 2017, Chiềng Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Năm 2021, Chiềng Sơn tiếp tục được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Cấp ủy, chính quyền xã xác định quá trình xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, vì vậy, Chiềng Sơn luôn nỗ lực duy trì và nâng các tiêu chí NTM, nhất là tiêu chí môi trường.
Ông Ngô Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt thải ra hằng ngày của các hộ tương đối nhiều, trung bình khoảng 2kg/ngày/hộ. Do xã ở xa trung tâm huyện nên Công ty Cổ phần dịch vụ và môi trường đô thị Chi nhánh Mộc Châu chưa tổ chức thu gom, vì vậy, để việc thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường, UBND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến các bản, nhóm dân cư về quy định của Luật Bảo vệ môi trường gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường tại 20 bản, tiểu khu; phân công rõ trách nhiệm của tổ tự quản trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn, cổng ngõ không lầy lội, thu gom rác thải.
Cùng với đó, xã đã vận động, khuyến khích xã hội hóa về bảo vệ môi trường; tổ chức phát động phong trào toàn dân tham gia hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6; Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường 29/4 - 6/5 hằng năm... Đưa các tiêu chí về bảo vệ môi trường vào đánh giá bản đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”.
Giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, năm 2009, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa việc thu gom rác thải bằng cách vận động 1 hộ gia đình trong xã, có phương tiện đứng ra thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Theo đó, các hộ sẽ thực hiện phân loại rác tại nhà. Với rác hữu cơ dễ phân hủy thì chôn lấp tại vườn nhà; lượng rác còn lại cho vào bao tải, túi đựng để tại khuôn viên hộ gia đình. Sau đó, vào sáng thứ 3 hằng tuần vận chuyển ra tuyến đường chính của trung tâm xã để xe chuyên dụng thu gom rồi vận chuyển đến bãi chôn lấp rác tập trung của xã. Đến nay, có 12/20 bản, tiểu khu với hơn 600 hộ tham gia mô hình thu gom rác thải tập trung; các hộ còn lại đã đào hố rác tại vườn. Với hình thức xã hội hóa, mỗi hộ gia đình chỉ đóng từ vài chục nghìn đến gần một trăm nghìn đồng/tháng cho hoạt động thu gom rác thải, nhờ đó, đã khắc phục tình trạng xả thải rác bừa bãi tồn tại nhiều năm trước.
Ông Đỗ Hữu Mạnh, tiểu khu 32, là hộ thu gom rác, cho biết: Tổ thu gom rác hoạt động từ năm 2009 đến nay và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đảm bảo công khai minh bạch, chúng tôi ký kết hợp đồng với các hộ dân về thời gian và phí thu gom rác. Tuy nhiên, lượng rác thải ngày càng nhiều trong khi khu vực bãi tập kết rác lại hẹp, sắp tới sẽ không còn chỗ đổ nữa. Chúng tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền quan tâm quy hoạch nơi tập kết rác mới rộng rãi, xa khu dân cư, góp phần đảm bảo môi trường.
Cùng với việc tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, để tạo cảnh quang xanh - sạch - đẹp, các bản, tiểu khu trên địa bàn còn tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường ngõ xóm, trồng, chăm sóc tuyến đường hoa. Chị Lê Thị Hoa, Bí thư, Tiểu khu trưởng tiểu khu 7, nói: Vào sáng chủ nhật hằng tuần, các hộ sẽ thực hiện quét dọn đường ngõ, xóm; làm cỏ, cắt tỉa, tưới nước cho cây hoa; nạo vét, khơi thông cống rãnh... Nhờ đó, các tuyến đường giao thông trong tiểu khu luôn sạch đẹp.
Còn bà Lê Thị Chiến, xóm 2, tiểu khu 6, chia sẻ: Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương thu gom rác thải sinh hoạt như hiện nay. Để rác thải sinh hoạt không tồn đọng lâu ảnh hưởng đến môi trường, chúng tôi kiến nghị việc thu gom rác thải tăng lên 2 lần/tuần. Đảm bảo cảnh quan, môi trường khu vực sinh sống, người dân chúng tôi tích cực tham gia dọn dẹp, trồng cây xanh và hoa ở các tuyến đường.
Ông Ngô Văn Hùng cho biết thêm: Tạo phong trào thi đua giữa các tổ, bản chung tay bảo vệ môi trường, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của hộ dân, xã đã đưa việc thu gom rác thải, vệ sinh đường làng ngõ xóm là tiêu chí để bình xét bản, tiểu khu văn hóa. Quá trình thực hiện được kiểm tra, giám sát thường xuyên, theo hình thức cán bộ trực tiếp xuống đột xuất bản, tiểu khu bất kỳ để kiểm tra hoặc báo cáo hình ảnh, video thực hiện hằng tuần qua nhóm Zalo. Cái khó hiện nay của xã là xã đã có quy hoạch về bãi rãi tập trung nhưng chưa có kinh phí, nên việc xử lý chôn lấp rác thải đang gặp khó khăn. Rất mong thời gian tới, các cấp, ngành quan tâm đầu tư kinh phí để xã làm tốt công tác thu gom rác thải.
Với sự phong phú, đa dạng về nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, cùng với triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả, Chiềng Sơn đang là điểm sáng về bảo vệ môi trường nông thôn, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền tăng cường hiệu lực quản lý môi trường trong các khu du lịch, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!