Hiện nay, huyện Yên Châu có khoảng 50.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 60% dân số. Giải quyết bài toán việc làm, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp gắn đào tạo nghề với tư vấn, kết nối doanh nghiệp tuyển dụng, giúp người lao động có việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập.
.jpg)
UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, xã, thị trấn tuyên truyền chính sách đào tạo nghề; khảo sát, phân loại nhu cầu học nghề của lao động nông thôn xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp thực tế và thị trường lao động. Đồng thời, cung cấp thông tin việc làm, hỗ trợ người lao động tiếp cận các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nguồn vốn vay phát triển kinh tế.
Ông Mè Văn Hải, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Châu, cho biết: Phòng phối hợp với các xã, thị trấn lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu người lao động. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn: Chăm sóc cây trồng, chăn nuôi, may công nghiệp, cơ khí, xây dựng... Ngoài ra, huyện tổ chức các ngày hội hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, giúp người lao động, nhất là thanh niên, học sinh, lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu thị trường.
Từ năm 2024 đến nay, huyện Yên Châu phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các đơn vị tổ chức 4 chương trình “Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp”, thu hút gần 150 doanh nghiệp, hơn 20.000 lượt người lao động tham gia. 2 năm gần đây, huyện còn phối hợp các doanh nghiệp lớn: Công ty TNHH Brother Việt Nam, Công ty Giầy Aurora, LG, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản… tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ làm hồ sơ xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu cho gần 3.200 học sinh THPT; đưa 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tư vấn, đào tạo, giới thiệu việc làm cho 3.000 lao động là người dân tộc thiểu số. Toàn huyện đang có trên 2.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh, thu nhập bình quân 6 - 12 triệu đồng/tháng.

Các cơ quan chuyên môn của huyện chủ động liên kết, kết nối với doanh nghiệp trong tỉnh, như: Công ty CP Xi măng Mai Sơn, Công ty CP Mía đường Sơn La, Công ty CP Phân bón Sông Lam Tây Bắc, Công ty CP Giày Yên Châu… tuyển chọn hàng trăm lao động nông thôn vào làm việc, với mức thu nhập ổn định. Đầu tháng 4/2025, chị Quàng Thị Hoa, bản Thín, xã Sặp Vạt bắt đầu làm việc tại Công ty CP Giày Yên Châu với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Chị Hoa chia sẻ: Tôi được đào tạo hơn một tháng, sau đó, ký hợp đồng lao động. Công việc phù hợp với sức khỏe, gần nhà, thu nhập ổn định, được đóng bảo hiểm và hưởng đầy đủ chế độ.
Trước đây, tại xã Phiêng Khoài, người dân chủ yếu trồng mận hậu theo phương pháp tự nhiên nên năng suất, chất lượng không cao. Những năm gần đây, nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo quy trình an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Anh Nguyễn Văn Doanh, bản Cồn Huốt 1, xã Phiêng Khoài, cho biết: Gia đình anh có 5 ha mận hậu. Sau khi được tập huấn, tôi biết cách cắt tỉa cành già, tạo tán thấp để dễ chăm sóc, thu hoạch; mùa đậu quả thì tỉa bớt quả, bón nhiều phân hữu cơ, chủ động nước tưới. Nhờ vậy, vườn mận cho năng suất cao, trên 40 tấn quả/năm, thu nhập khoảng 600 triệu đồng.
Đến cuối năm 2025, huyện Yên Châu phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 73%. Huyện tiếp tục kết nối việc làm, đào tạo nghề, phối hợp hỗ trợ phát triển thị trường lao động; tạo thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho người lao động, nâng cao thu nhập, giảm thất nghiệp, hạn chế tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, góp phần giảm nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!